Vốn ngân hàng liên tục chảy vào Tây Nguyên

Công trình thuỷ điện Ialy thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sêsan.
Công trình thuỷ điện Ialy thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sêsan.
TP - Được coi là thủ phủ của cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả…, tuy nhiên cho đến nay, nhu cầu phát triển kinh tế tại Tây Nguyên vẫn còn rất lớn. Cũng vì thế, dòng vốn ngân hàng vào Tây Nguyên liên tục chảy và tăng đều  hàng năm. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn, đầu tư tín dụng của khu vực Tây Nguyên theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện tăng cao hơn mức bình quân của cả nước.

Kết nối và mời gọi đầu tư

Liên tục những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vào các năm 2009 và 2013 và  tháng 5/2015. Diễn đàn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia với số doanh nghiệp đăng ký tham dự năm sau luôn tăng mạnh so với trước, các dự án được ký kết tấp nập,

Tại Hội nghị XTĐT Tây Nguyên 2015, có 8 ngân hàng thương mại (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, SHB, MB, Liên Việt) tham gia ký kết 19 dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư vào khu vực Tây Nguyên đầu tư cho các lĩnh vực như: thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Cũng tại Hội nghị này, 5 tỉnh Tây Nguyên đã trao Quyết định đầu tư  cho 13 DN thực hiện 13 dự án tiêu biểu, trong đó có các dự án lớn của Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam… Đến 30/9/2015, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đã có 10 dự án được triển khai với doanh số cho vay lũy kế là 1.248,9 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 132 tỷ đồng, dư nợ là 1.116,9 tỷ đồng.

Được biết, để hỗ trợ phát triển kinh tế Tây Nguyên, chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 41. Theo đó, Nghị định 55 là chính sách hết sức cởi mở, là bước đột phá trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với Luật Hợp tác xã mới, được cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân hưởng ứng, sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn,vướng mắc trong Nghị định 41 trước đây, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Vốn ngân hàng liên tục chảy vào Tây Nguyên ảnh 1

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai nay đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Tập trung cho vay phát triển nông nghiệp

Báo cáo cập nhật đến ngày 25/11/2015 của Vụ các tổ chức tín dụng NHNN, ước tính đến cuối năm 2015, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 84.500 tỷ đồng, tăng khoảng trên 3% so với 31/12/2014 và chiếm tỷ trọng trên 47% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực. Trong đó, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên tính đến 30/9/2015 đạt 35.168 tỷ đồng, tăng 17,17% so với 31/12/2014 (chiếm 89,97% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc).

Đối với việc liên kết cho vay doanh nghiệp, NHNN cũng đã phê duyệt cho 1 dự án đối với 1 doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp (Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trường Hoàng với dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp).

Cũng tại Tây Nguyên, đến hết quý 3/2015, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực với 27 buổi Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên tất cả 5 tỉnh của khu vực Tây Nguyên. Ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ,… Tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo chương trình đạt gần 41.800 tỷ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đạt khoảng 36.000 tỷ đồng cho gần 2.800 khách hàng doanh nghiệp (Lãi suất cho vay mới phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với năm 2014); các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ khoảng 5.800 tỷ đồng cho hơn 160 doanh nghiệp.

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: cà phê, chè, cao su...  Đồng thời, đẩy mạnh cho vay tái canh cây cà phê, cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tập trung vốn tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong khu vực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên.

Vốn ngân hàng liên tục chảy vào Tây Nguyên ảnh 2
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.