Vốn tồn, công trình “đội giá”, ai chịu trách nhiệm?

Vốn tồn, công trình “đội giá”, ai chịu trách nhiệm?
TP - 12.925 tỷ đồng Chính phủ phải vay của dân để đầu tư công trình thủy lợi quan trọng đến nay gần như vẫn “đắp chiếu”. Trong khi đó, rất nhiều công trình đưa vào kế hoạch lại không triển khai được, hoặc bị đội giá hàng trăm tỷ đồng.

Công trình dùng vốn trái phiếu đầu tiên bị đội giá gấp 2 lần mức thiết kế (tăng hơn 3.000 tỷ đồng) được Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thừa nhận là hồ Cửa Đạt. Đây là công trình nhóm A, xây dựng đáp ứng nhiều mục tiêu: Thủy lợi, phân lũ, phát điện.

Theo Cục đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB-Bộ NN&PTNT), hồ Cửa Đạt là một trong những công trình được thiết kế tính toán trên cơ sở mặt bằng giá vật tư, điều kiện thực tế từ trước năm 2000. Do đó, các tính toán không phù hợp thực tế; trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa lại đề nghị bổ sung các hạng mục kênh mương tưới kết hợp thủy điện nên thiết kế bị điều chỉnh liên tục.

Bên cạnh đó, do khoan thăm dò địa chất chưa xác định hết được độ đứt gẫy nên công trình thủy lợi lớn nhất ngành nông nghiệp này phải thay đổi một số hạng mục cho phù hợp thực tế, làm đội vốn là dễ hiểu. Hồ Định Bình (Bình Định) sau khi bị điều chỉnh quy hoạch làm thêm đập Văn Phong thì suất đầu tư đã vượt xa 540 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang thi công khẩn trương 18 công trình, trong đó 5 công trình hoàn thành trong năm là đập Thảo Long (Huế), hồ Suối Dầu (Khánh Hoà), hồ Lòng Sông (Bình Thuận)…đều bị đội giá rất lớn so với mức được duyệt trước đó.

Mới đây, Bộ đã có công văn gửi Thủ tướng xin thông báo kế hoạch vốn các công trình dùng vốn trái phiếu, trong đó chỉ ra 11 công trình chưa thông báo và thông báo chưa hết kế hoạch vốn, nhưng bị đội giá lớn nên Bộ Tài chính chưa đồng ý giải ngân tiếp.

Đầu tháng 4/2006, Chính phủ duyệt thêm vốn cho 3 công trình: Hát Môn-Đập Đáy; hồ Định Bình và Cửa Đạt. Các công trình còn lại rất cần kíp xây dựng và khát vốn. Các dự án hồ thuỷ lợi: Lòng Sông, EaM Lá (Gia Lai), Ia Mơ (Gia Lai), Ea Súp thượng (Đắk Lắk)… là những công trình được Chính phủ phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu từ năm 2003, nhưng do bị đội giá nên đến nay vẫn nằm liệt chờ vốn.

Ai chịu trách nhiệm?

Năm 2003, Chính phủ phê duyệt tổng vốn trái phiếu cho xây dựng công trình thủy lợi là 12.925 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% tổng vốn trên được giải ngân. Số còn lại Bộ Tài chính tạm giữ lại, với lý do không thể giải ngân cho công trình có giá bị đội quá lớn.

Những công trình đội giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng ra sao cần được thẩm định thêm; song theo các chuyên gia kinh tế, thực trạng vay và sử dụng vốn trái phiếu như hiện nay ở hầu hết các bộ ngành đang gây lãng phí rất lớn.

Cụ thể, do Bộ NN&PTNT chuẩn bị các dự án chưa kỹ, thiết kế và thẩm định kiểu “khái toán”, ước lượng tổng vốn công trình; nhiều dự án thủy lợi đã được thiết kế xong, bị cất sâu trong ngăn kéo.

Khi Chính phủ rục rịch vay vốn của dân để đầu tư cho các công trình thì các đơn vị lại đem ra trình Chính phủ, xin vốn trái phiếu để xây dựng. Thực tế này dẫn đến số vốn đầu tư cho từng công trình đề nghị Chính phủ duyệt quá chung chung, bế tắc khi giải ngân, thi công...

Trong khi đó, cả chục nghìn tỷ đồng Chính phủ phải vay nợ của dân có mục đích rõ ràng lại không tiêu được, mỗi ngày qua đi, Chính phủ phải gánh thêm mức lãi suất không nhỏ.

Còn DN xây dựng đã vay tiền ngân hàng đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trước phải trả lãi suất rất cao cho các ngân hàng đang có nguy cơ trở thành con nợ kéo dài dễ phá sản. 

Thực tế quản lý, sử dụng nguồn vốn Chính phủ vay của dân và vay nước ngoài như hiện nay đang khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về hiệu quả đồng vốn của họ và năng lực tiêu tiền quá kém, gây lãng phí lớn.

“Đội giá” do vật liệu tăng giá (?)

Trao đổi với PV Tiền Phong, cần vốn vẫn đắp chiếu, ông Vũ Duy Hường-Phó Cục trưởng ĐTXDCB cho biết, ngoài thực tế các dự án xây công trình thủy lợi được tính toán ước chừng, nguyên nhân của các công trình đội giá là do những năm qua giá xăng dầu đã tăng gấp 2 lần, sắt thép, xi măng, lương đều tăng, riêng giá đền bù có những công trình đã đội lên cả nghìn tỷ đồng…

Bên cạnh đó, mục tiêu của các công trình từ khi có quyết định dùng vốn trái phiếu cũng được thay đổi. Ông Hường khẳng định, việc thay đổi thiết kế, và thực tế đội giá ở các công trình ở Bộ NN&PTNT không có nguyên nhân tiêu cực như nhiều nơi khác…

Tiêu cực ở các công trình đội giá khó xác định trước, tuy nhiên, nghịch lý: Vốn vay bị đọng, công trình đội giá chờ vốn đang gây lãng phí không thể coi là nhỏ cho ngân sách nhà nước cần được quy trách nhiệm rõ ràng hơn.

MỚI - NÓNG