“Vòng xoáy” thị trường và sức công phá của tâm lý

“Vòng xoáy” thị trường và sức công phá của tâm lý
TP - Những biến động về giá vàng, tỷ giá VNĐ và USD, giá cổ phiếu (ngẫu nhiên) dồn dập xảy ra khiến cho các nhà quản trị nhận thấy rõ ràng nhất “vòng xoáy” thị trường trong nền kinh tế.
“Vòng xoáy” thị trường và sức công phá của tâm lý ảnh 1
Đổ xô mua vàng. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Vòng xoáy” diễn ra khi 3 thành  tố nhạy cảm nhất, liên hệ mật thiết với nhau nhất đồng loạt thi triển “vũ điệu” vốn có của nó gây ra  cú sốc chẳng nhỏ chút nào.

Nhưng bình tĩnh lại mà nhìn nhận thì, đã chấp nhận cuộc chơi thị trường  thì việc có “vòng xoáy” ấy là điều bình thường. Điều bất thường là yếu tố tâm lý ở đây có sức mạnh công phá lớn quá những dự liệu.

Về “vũ điệu” của đô la, NHNN khẳng định là nguồn cung ngoại tệ hiện nay rất dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Thị trường tự do “làm giá” nên USD mới có mức tăng cao vô lý như vậy. Giá USD trên thị trường tự do tăng hoàn toàn là do tâm lý. Vấn đề là người dân có nhu cầu ngoại tệ để làm gì?

Còn “vũ điệu” của chứng khoán, sự cảnh báo đã được đưa ra cách đây hơn 1 tháng. Ngày 3/4/2006, ủy ban Chứng khoán đã có công văn số 99/UBCK-PTTT đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp kiểm soát rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán.

Công văn nêu rõ: “Đến ngày 20/3/2006 có khoảng 13 triệu cổ phiếu các loại được cầm cố với tổng giá trị khoảng 751 tỷ đồng. Trong số chứng khoán cầm cố nói trên, có không ít nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán và tiếp tục cầm cố để được vay tiếp”.  

Nhưng lúc ấy, chỉ số VN-index tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 2 tháng làm người ta “say  như lên đồng”. Một kẻ có trong tay 100 triệu, chắc chắn mua được số chứng khoán trị giá 100 triệu đồng.

Sau đó đem số chứng khoán ấy thế chấp ngân hàng để vay được 80 triệu đồng và đem 80 triệu đó đi mua cổ phiếu tiếp (chứng khoán là tài sản nên việc đem cầm cố để vay tiền là hoàn toàn hợp pháp)...

Sau một loạt những chu kỳ mua – thế chấp – vay – mua như vậy, kẻ “say như lên đồng” ấy có thể mua được tổng số chứng khoán trị giá 500 triệu, trong khi tiền của mình chỉ là 100 triệu, còn 400 triệu kia là đi vay.

Nếu giá chứng khoán tăng lên gấp đôi, sẽ bán được 1 tỷ đồng. Sau khi trả nợ ngân hàng, người chơi còn lại 600 triệu!

Ngược lại nếu giá chứng khoán giảm còn một nửa so với lúc mua thì có bán tất tật, “nhà đầu tư” nói trên cũng chỉ thu về được 250 triệu, không thể nào đủ trả nợ 400 triệu cho ngân hàng!  “Kịch bản” ngược lại nói trên bây giờ đang là sự thật.  

Vàng-đô la-chứng khoán lại giống như 3 chiếc “bình thông nhau” trong đầu tư tiền nhàn rỗi của dân ở nền kinh tế thị trường. Vì thế,  trong “vòng xoáy vũ điệu” của nó mà đỉnh cao là ngày 10/5 đã khiến nhiều người thực sự ngấm  đòn về sức công phá của yếu tố tâm lý.

MỚI - NÓNG