VSP đã mua lại VD2 với giá 15,5 triệu đô la

VSP đã mua lại VD2 với giá 15,5 triệu đô la
TP – Đầu năm 2009, công ty con của Cty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) là Cty cổ phần Dịch vụ hàng hải Nam Việt (Cty Nam Việt) đã mua lại ụ nổi Venture Dock 2 (VD2) từ Cty cổ phần Thương mại và Vận tải biển Long Sơn (Cty Long Sơn) với giá 15,5 triệu đô la, theo một nguồn tin của Tiền Phong.

> Quản lý Venture Dock 2 là doanh nghiệp liên kết của Vinashin

Ụ nổi Venture Dock 2 xuống cấp, han gỉ nặng sau bốn năm bị bỏ không ở vịnh Cam Ranh
Ụ nổi Venture Dock 2 xuống cấp, han gỉ nặng sau bốn năm bị bỏ không ở vịnh Cam Ranh .

Cty Nam Việt được Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 19-3-2009, với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Theo Cty Long Sơn, họ mua VD2 của Cty Labroy Marine Ltd. (Singapore) với giá 11,5 triệu đô la, đưa về vịnh Cam Ranh ngày 9-8-2008, với mục đích tạm nhập tái xuất bán cho đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, trong khi chưa thực hiện các thủ tục nhập khẩu VD2, tháng 4-2009 – chỉ 8 tháng sau khi đưa VD2 về vịnh Cam Ranh, Cty Long Sơn đã bán VD2 cho Cty Nam Việt, với giá cao hơn lúc mua 4 triệu đô la.

Tuy nhiên, theo hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT–2009 ngày 21-4-2009 giữa Cty Long Sơn với Cty Nam Việt, mọi trách nhiệm pháp lý đối với VD2 vẫn do Cty Long Sơn chịu trách nhiệm.

Sau đó, Cty Nam Việt đã lập dự án hợp tác với Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh sử dụng VD2, xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Việt.

Dự án này không được UBND tỉnh chấp thuận, vì lo ngại ô nhiễm môi trường, và trước đó tỉnh đã hứa với dân, nhà máy Đóng tàu Cam Ranh chỉ đóng mới, không sửa chữa tàu.

Theo ông Phạm Xuân Quang, Đội trưởng Đội Kiểm soát, Cục hải quan Khánh Hòa (HQKH), trước năm 2011, đơn vị được HQKH mời làm việc về việc làm thủ tục hải quan cho VD2 không phải là Cty Long Sơn, mà là VSP.

Nhưng hầu hết các giấy mời làm việc không được VSP phản hồi. Đến ngày 26-4-2012, sau ba lần HQKH gửi giấy mời, bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Cty Long Sơn mới đến HQKH làm việc.

Theo bà Hiền, do VSP không được ngân hàng giải ngân để mua VD2, nên Cty Long Sơn đang xúc tiến việc bán VD2 cho đối tác nước ngoài.

Ngày 15-5, phóng viên Tiền Phong tìm đến Cty Long Sơn ở địa chỉ 602/51A, phường 22, quận Bình Thạnh, nhưng công ty này đã chuyển địa điểm từ tháng trước.

Tổng đài 1080 TPHCM cho biết, Cty Long Sơn không đăng ký số điện thoại với tổng đài. HQKH cũng không cung cấp cho phóng viên số điện thoại liên lạc của bà Trần Thị Hiền.

Tại trụ sở VSP, ông Nguyễn Ngọc Tú, trợ lý Tổng giám đốc VSP nói, những thông tin mà báo Tiền Phong nêu về vụ ụ nổi Venture Dock 2 (VD2) hoàn toàn chính xác và tỏ ra ngạc nhiên vì phóng viên của báo có được những thông tin ấy.

Tuy nhiên, ông Tú nói, không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến VD2, không biết số điện thoại của bà Hiền.

Những vấn đề về xuất nhập khẩu, quản lý VD2 thuộc thẩm quyền của ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Đầu tư của VSP, nhưng ông Dũng và Tổng giám đốc VSP Nguyễn Văn Bình đều đi công tác vắng.

Theo ông Tú, Cơ quan điều tra, Công an TPHCM đang làm việc với VSP về các hợp đồng tàu biển của công ty.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG