Vụ Hè Thu 2020, vùng ĐBSCL có khoảng 2,5 triệu tấn gạo xuất khẩu

TPO - Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn.

Đó là số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị đánh giá sản xuất vụ Hè Thu 2020 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra sáng nay (29/5) tại Đồng Tháp.   

Vụ Hè Thu 2020, vùng ĐBSCL có khoảng 2,5 triệu tấn gạo xuất khẩu ảnh 1 Vụ lúa Hè Thu năm nay, ĐBSCL sản xuất hơn 1,5 triệu ha, sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn lúa. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn vùng ước đạt hơn 1,6 triệu ha (giảm 29 nghìn ha); năng suất ước đạt 56,41 tạ/ha (tăng 1,25 tạ/ha); sản lượng ước đạt gần 9,2 triệu tấn (tăng 44 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2019).

Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích ước đạt hơn 1,5 triệu ha; năng suất ước 56,61 tạ/ha (tăng 1,28 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn (tăng 31 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2019).

Tiến độ gieo trồng lúa vụ Hè Thu 2020 các tỉnh Nam Bộ đến 15/5/2020 ước đạt hơn 1 triệu ha (đạt hơn 62% kế hoạch). Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống đạt hơn 967.800ha (chiếm 62,89% diện tích, ít hơn cùng kỳ năm trước 37.853ha) và đã thu hoạch 53.223ha (chiếm 5,5% diện tích xuống giống, nhiều hơn cùng kỳ năm trước 48.800ha).

Dự kiến từ tháng 5-9/2020, ĐBSCL sẽ thu hoạch lúa Hè Thu hết tổng cộng hơn 1,5 triệu ha với sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn lúa. Trong đó, thời gian thu hoạch rộ nhất là từ tháng 6 (318 nghìn ha), tháng 7 (472 nghìn ha) và tháng 8 (510 nghìn ha).          

Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu đạt khoảng 2,3-2,5 triệu tấn. Trong đó, gạo chất lượng cao hơn 1 triệu tấn; gạo thơm 580 nghìn tấn; gạo chất lượng trung bình 400 nghìn tấn; nếp và gạo hạt tròn 224 nghìn tấn.

Về tình hình sử dụng giống lúa trong vụ Hè Thu 2020 theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh, tỷ lệ sử dụng nhóm giống lúa thơm và đặc sản gia tăng. Cụ thể, lúa chất lượng cao chiếm 46%; lúa thơm, đặc sản chiếm 26%; lúa chất lượng trung bình chiếm 16,2% và lúa nếp 11,8%.

Báo cáo cũng cho biết, đối với việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, toàn vùng có tỷ lệ làm đất bằng cơ giới hóa trên 95%; tỷ lệ gieo sạ lúa bằng máy đạt trung bình 30%; tỷ lệ cấy lúa bằng máy trung bình đạt 1%; tỷ lệ thu hoạch bằng máy đạt trung bình trên 90%; tỷ lệ sấy lúa sau khi thu hoạch trung bình đạt 30% (do nông dân bán lúa tươi trên ruộng nên hầu hết sấy lúa đều do thương lái hoặc nhà máy thu mua thực hiện).

Các tỉnh ĐBSCL vẫn duy trì thực hiện mô hình ‘Cánh đồng lớn’ với diện tích hàng vụ ổn định khoảng 140-150 ngàn ha. Theo tính toán, mỗi ha lúa tham gia mô hình có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.

Vụ Hè Thu 2020, vùng ĐBSCL có khoảng 2,5 triệu tấn gạo xuất khẩu ảnh 2

Tỷ lệ sử dụng nhóm giống lúa thơm và đặc sản gia tăng. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo Tổng Cục Thủy lợi, sản xuất vụ Hè Thu 2020 ở ĐBSCL thực hiện trong điều kiện xâm nhập mặn tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao nên điều kiện canh tác không thuận lợi, nhiều nơi bị chậm tiến độ gieo cấy.

Lượng mưa mùa khô 2019-2020 trên lưu vực sông Mekong thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-20%, thấp hơn với mùa khô 2018-2019 từ 10-15%, thấp hơn mùa khô 2015-2016 từ 5-10% là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn tăng cao, thiếu nước sinh hoạt ở ĐBSCL.

Ít khả năng xuất hiện lũ sớm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tại ĐBSCL từ tháng 6-9/2020, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Sang tháng 10/2020, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-30% so với TBNN. Tháng 11/2020, tổng lượng mưa xấp xỉ so với TBNN.

Còn theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nửa cuối tháng 5/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN từ 5-20%, mực nước đầu nguồn Cửu Long ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,3m. Xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần.

Trong mùa lũ 2020, nhận định ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1-2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m.

Tại các trạm trên dòng chính sông Cửu Long như Cần Thơ và Mỹ Thuận, mực nước cao nhất  từ 2-2,10m, xuất hiện khoảng giữa tháng 10 (đầu tháng 9 Âm lịch). Về thủy triều vùng ven biển, mực nước cao nhất xuất hiện vào trung tuần các tháng 10 và  11 (đầu tháng 9 và 10 Âm lịch)...

MỚI - NÓNG