Vụ phân bón Thuận Phong chưa ngã ngũ

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quốc gia tại khu xưởng Cty Thuận Phong hồi tháng 4/2015. Ảnh: Ban 389 cung cấp
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quốc gia tại khu xưởng Cty Thuận Phong hồi tháng 4/2015. Ảnh: Ban 389 cung cấp
TP - Buổi họp báo tổng kết 10 tháng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban 389) trở thành một cuộc “truy hỏi” giữa cánh phóng viên và cơ quan chức năng liên quan vụ sản xuất phân bón của Cty CP SX&TM Thuận Phong kéo dài hơn nửa năm qua.

Chờ Bộ Công an quyết định

Buổi họp báo nóng lên bởi phần hỏi đáp. Thay vì đề cập đến các vụ án điểm mà ban tổ chức cung cấp trong tài liệu, phóng viên các báo lại dồn dập hỏi về vụ việc Cty Thuận Phong. Tất cả đều chung mục tiêu: Vụ việc kéo dài, nhưng vì sao cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, liệu có khúc mắc gì phía sau?

Chánh Văn phòng Ban 389, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, ban đầu đã xác định có dấu hiệu giả mạo, nghi vấn về chất lượng và kinh doanh của công ty này. Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban 389, vụ việc đã được đưa ra để sớm giải quyết triệt để. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về việc truy tố tội hàng giả. “Mới đây, sau khi báo Tiền Phong nêu sự việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giao cho đoàn công tác liên ngành báo cáo cụ thể”, ông Cẩn cho hay.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Cục phó Cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Trọng Tín cho hay, đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm, giám định các chất thành phẩm phân bón bán ra của công ty và đã có kết luận là không đạt. Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai đã trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, vụ việc này không khởi tố được, chỉ xử lý về kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, ông Cẩn cho rằng, báo cáo của đoàn liên ngành do Bộ Công Thương đứng đầu còn chung chung, đề nghị xem xét lại và báo cáo cụ thể trong tháng 11. Ông Cẩn cho biết thêm, về kết luận của cơ quan điều tra, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Sai phạm chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự. 

“Song báo cáo có được chấp nhận hay không còn phải đợi Bộ Công an quyết định cuối cùng. Thậm chí khi có kết quả của Bộ Công an, nếu báo chí và người dân có bất kì phát hiện hay ý kiến không đồng tình với quyết định vẫn có thể phản ánh trực tiếp lại với Ban 389 qua đường dây nóng để điều tra và có kết quả chính xác nhất”, ông Cẩn cho hay.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng tham mưu (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an) cho biết, chưa nắm rõ vụ việc, nên tạm khất câu trả lời.

Doanh nghiệp thừa nhận in mác sai

Liên quan vấn đề nhãn mác các sản phẩm của Cty Thuận Phong ở Đắc Lắk không được cấp phép mà Tiền Phong đã nêu, ông Cẩn cho biết: Hiện chưa có kết luận giám định cụ thể và đang đợi báo cáo từ Ban 389 Đắk Lắk. Tuy nhiên, ông nhận định có sự nhập nhèm trong đóng mác bao bì của đơn vị này. “Thực chất, phân bón nhập khẩu vào và đóng gói ở Việt Nam chứ không đóng gói ở nước xuất khẩu”, ông Cẩn nói.

Trước đó, Cty Thuận Phong cũng có văn bản gửi báo Tiền Phong thừa nhận sai phạm trong việc in dấu hợp quy CR của tổ chức Quacert. Tổng Giám đốc Khiếu Mạnh Tường giải thích sai phạm này như sau: Năm 2012, công ty được tổ chức chứng nhận Vinacert cấp Chứng nhận ISO 9001:2008 cho lĩnh vực sản xuất phân bón. Sau đó, trên nhãn các sản phẩm phân bón của đơn vị gắn logo và ghi rõ nội dung chứng nhận ISO của Vinacert. 

Tuy nhiên, do sơ sót của bộ phận thiết kế nhãn, một số sản phẩm lại sử dụng logo của Quacert, nhưng trên nhãn này không công bố thêm bất cứ thông tin nào về sự hợp chuẩn hoặc hợp quy nào khác. “Sau đó, chúng tôi phát hiện ra sơ suất và đã gỡ bỏ lỗi này ngay và thay thế logo của Vinacert”, văn bản do Tổng GĐ Tường gửi Tiền Phong.

Ông Tường cho rằng, sai sót này ngoài ý muốn và giải thích dù dùng logo nào thì thông điệp duy nhất mà doanh nghiệp hướng tới là sản phẩm được quản lý chất lượng theo quy trình ISO 9001:2008.

 “Cty Thuận Phong là doanh nghiệp nhỏ, đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, nên không tránh khỏi những sai sót nhất định. Qua phản ánh của quý báo, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm và cam kết sẽ khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót để không ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, văn bản do Tổng GĐ Khiếu Mạnh Tường ký khẳng định.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT Cty Thuận Phong, ông Nguyễn Công Minh qua báo Tiền Phong cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận cuối cùng để “doanh nghiệp biết hướng hoạt động”.

Sắp sửa nghị định quy định xử lý hàng giả

“Nghị định 185 (2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) quá rộng và nhiều bất cập. Có nhiều quy định trái với luật chuyên ngành. Bộ Công Thương đang dự thảo sửa đổi, bổ sung thay thế nghị định này”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban 389.

MỚI - NÓNG