Vụ PMU 18 và ODA của Nhật

Vụ PMU 18 và ODA của Nhật
Viện trợ và vốn vay ưu đãi cấp chính phủ (ODA) của Nhật dành cho Việt Nam liệu sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau vụ PMU 18? Bài viết của GS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo.
Vụ PMU 18 và ODA của Nhật ảnh 1

Việc xây dựng  cầu Hoàng Long - một dự án do PMU18 quản lý - có sai phạm lớn nhưng chưa ai bị xử lý        ảnh: Thế Lượng

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2006, các nhật báo lớn của Nhật lần lượt đăng tin về sự kiện PMU 18. Người Nhật chắc chắn rất ngạc nhiên, thậm chí bàng hoàng về một chuyện khó tưởng tượng được lại xảy ra.

Thật ra, tại nhiều nước đang phát triển và nhận viện trợ từ nước ngoài, không ít trường hợp một phần tiền viện trợ đã vào túi các quan chức. Tuy nhiên, đó là những nước nhìn chung trình độ dân trí còn thấp, chính quyền thường bất ổn, và trong những trường hợp này mức độ tham nhũng cũng không lớn.

Nhưng người Nhật còn quan tâm đến vụ PMU 18 vì một lý do khác nữa: Hiện nay Nhật cung cấp tới gần một phần ba tổng ODA (viện trợ và vốn vay ưu đãi cấp chính phủ) mà Việt Nam tiếp nhận hàng năm.

Nhìn từ phía Nhật, Việt Nam đã trở thành một trong những nước mà Nhật cung cấp ODA với quy mô lớn. Từ khoảng 10 năm nay, do kinh tế trì trệ và do ngân sách chính phủ thâm hụt nặng, Nhật có khuynh hướng cắt giảm ODA đối với nhiều nước.

Nhưng với chính sách ngoại giao chú trọng Việt Nam và với sự quan tâm và đánh giá cao của doanh nghiệp Nhật đối với tiềm năng kinh tế của Việt Nam, Chính phủ Nhật vẫn ưu tiên ODA cho Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, vụ PMU 18 chắc chắn sẽ làm cho Chính phủ Nhật thất vọng và lo lắng. Lo lắng vì sợ dư luận Nhật sẽ làm lớn vấn đề và gây áp lực buộc chính phủ phải cắt giảm ODA cho Việt Nam trong những năm tới.

Quan hệ Việt-Nhật bình thường trở lại từ đầu thập niên 1990. Không kể 45,5 tỉ Yên vốn vay để mua hàng hóa vào cuối năm 1992, ODA Nhật nhằm giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam bắt đầu với quy mô 52,3 tỉ Yên (khoảng 500 triệu Đôla Mỹ) vào năm 1993 và 58 tỉ Yên năm 1994.

ODA của Nhật cho Việt Nam tăng liên tục sau đó, có năm lên tới 100 tỉ Yên (trung bình mỗi năm 80 tỉ Yên). Trong quá khứ chỉ có Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines là những nước tiếp nhận ODA của Nhật với quy mô lớn như vậy.

Từ năm 1993, cộng đồng quốc tế mở Hội nghị các nhà tài trợ để nghe Chính phủ Việt Nam trình bày kế hoạch phát triển kinh tế và theo đó cam kết cung cấp ODA giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện kế hoạch phát triển. Nhật là nước tích cực nhất ở hội nghị này.

Trung bình Nhật cung cấp tới 30% tổng ODA mà Việt Nam nhận từ các nhà tài trợ, kể cả song phương (giữa Việt Nam với một nước khác) và đa phương (giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế). Trong ODA song phương, riêng Nhật chiếm tới khoảng 40%, có năm lên tới 50%.

Kể cả ODA vừa ký kết giữa Việt Nam với Nhật vào ngày 31/3/2006, từ năm 1992 đến nay, Nhật đã cung cấp ODA cho Việt Nam với tổng số tiền là 1.058 tỉ Yên (xấp xỉ gần 10 tỉ Đôla Mỹ), bao gồm cả phần chưa giải ngân.

Trong ODA này, một phần nhỏ là khoản viện trợ không phải hoàn trả, chủ yếu dành cho các dự án trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Phần lớn còn lại là tiền Nhật cho Việt Nam vay để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, bưu chính - viễn thông, cơ sở phát điện... Các khoản vay này có lãi suất thấp hơn nhiều so với thị truờng thương mại và thời gian vay rất dài, phần lớn là 30 năm, nên thường được xem là tiền viện trợ.

Do số tiền ODA rất lớn và phải hoàn trả trong tương lai nên nếu không được quản lý nghiêm túc, không được sử dụng có hiệu quả thì sẽ trở thành gánh nặng trong tương lai về nhiều mặt: uy tín quốc tế sụt giảm, gây ra bất công cho các thế hệ sau, khả năng tích lũy để tiếp tục phát triển bị hạn chế...

Trong kế hoạch 2001-2005 của Việt Nam, ODA lên tới 7,8 tỉ Đôla Mỹ, chiếm 12% tổng vốn đầu tư (con số tương ứng trong kế hoạch 1991-1995 là 11% và trong kế hoạch 1996-2000 là 14%). ODA trong những năm tới dự kiến sẽ tăng hơn nữa. Do đó vấn đề quản lý và sử dụng phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Những nước nhận nhiều ODA của Nhật cho đến nay phần lớn đã thành công trong việc phát triển và bây giờ không cần vay mượn nước ngoài (theo dạng viện trợ) nữa, chẳng hạn Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... Nhưng cũng có nước không thành công.

Chẳng hạn so sánh trường hợp Thái Lan và Philippines: Từ thập niên 1960 đến giữa thập niên 1990, cả hai nước đều được Nhật chú trọng về phương diện ngoại giao nên đã nhận một khoản ODA tương đương (tổng cộng mỗi nước nhận khoảng 1.000 tỉ Yên trong thời gian trên).

Nhưng thành quả phát triển thì hoàn toàn khác: Vào năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Philippines cao gấp 2,5 lần Thái Lan, nhưng đến năm 1995, chỉ tiêu đó của Philippines chỉ còn bằng một nửa của Thái Lan. Đây là bài học đáng tham khảo cho tất cả các nước đang tiếp nhận nhiều ODA.

ODA của Nhật tại Việt Nam tập trung vào hai lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và cơ sở phát điện. Riêng giao thông chiếm trên 40% tổng ODA của Nhật tại Việt Nam. Nhìn tổng thể, như nhiều nguồn thông tin đã khẳng định, trong đầu tư cơ bản mà cơ sở hạ tầng giao thông là lĩnh vực quan trọng nhất, trong nhiều năm qua đã thất thoát ít nhất 30% kinh phí cho các dự án này. Chắc chắn một phần ODA nằm trong số tiền thất thoát đó.

Ngoài ra, các cuộc điều tra và sự tình cờ phát hiện của dân chúng đã cho thấy nhiều công trình vừa xây xong đã xuống cấp, nhiều cơ sở hạ tầng khi hoàn thành được kiểm tra mới biết đã không được thực hiện đúng như quy trình và nội dung được quyết định ban đầu.

Những thông tin này làm dân chúng Việt Nam bàng hoàng, phẫn nộ, và hiện nay đã bắt đầu làm xôn xao cộng đồng quốc tế.

Một quan chức của Chính phủ Nhật nói với tôi là những sai phạm nói trên nếu đúng sự thật và nếu được xác nhận là có liên quan đến ODA của Nhật thì Nhật có quyền đòi Việt Nam phải hoàn trả ngay số tiền tương ứng vì dự án không được thực hiện như đã quy định trong các thỏa thuận ban đầu.

Chính phủ Nhật có thể sẽ không có biện pháp mạnh vì lý do ngoại giao nhưng dư luận, báo chí, các đảng đối lập, các đoàn thể phi chính phủ có khả năng sẽ làm lớn chuyện này.

Vào ngày 5/4 vừa qua, tại Ủy ban Quyết toán ngân sách của Thượng viện Nhật, một nghị viên của Đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất hiện nay, đã đưa vấn đề PMU 18 ra chất vấn và yêu cầu Bộ Ngoại giao cử phái đoàn sang Việt Nam điều tra.

Từ khoảng 10 năm nay, dân chúng Nhật quan tâm nhiều đến chính sách ODA của chính phủ, họ ngày càng tích cực giám sát nội dung ODA và đòi hỏi chính phủ phải công khai, minh bạch hơn.        

Theo Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.