'Vua bò sữa' Mộc Châu

'Vua bò sữa' Mộc Châu
TP - Với trang trại rộng hơn 10 ha cùng đàn bò sữa 50 con, anh Lâm Thanh Trân được mệnh danh là “Vua bò sữa” trên nông trường chăn nuôi bò sữa lớn nhất Tây Bắc nước ta.

Từ quốc lộ 6 cũ, đoạn nối giữa thị trấn Nông trường và thị trấn Mộc Châu (Sơn La) rẽ vào Tiểu khu 19/5 là con đường đất đỏ đã ngả màu còn ướt đẫm sương sớm. Cả thảo nguyên như tấm thảm màu xanh bạt ngàn của cỏ, xen lẫn giữa những đồi chè kéo dài ngút tầm mắt.

Dẫn chúng tôi thăm đàn bò, bê đang được vắt sữa, cho ăn cỏ, anh Trân kể lại những ngày đầu còn lạ lẫm, chân ướt, chân ráo lên thảo nguyên rộng lớn này.

Trân là con thứ hai trong gia đình có 6 chị em ở huyện Nam Trực, Nam Định. Gia cảnh túng thiếu, anh phải tự vận động, tìm cách thoát nghèo. Tha hương từ năm 1978, lúc tròn 20 tuổi với hai bàn tay trắng, anh khát khao tìm được “vùng đất hứa” để xây dựng cơ nghiệp.

Thời điểm anh làm công nhân, Nông trường Mộc Châu còn chăn nuôi giống bò vàng Jersey. Mãi đến năm 1986, mới bắt đầu nuôi loại bò Holstein Friensian nhập ngoại có màu khoang đen- trắng. Cuộc sống tẻ nhạt hằng ngày trôi qua trên từng khát khao thoát nghèo của chàng trai trẻ.

Làm ở nông trường một thời gian, anh Trân quyết định cưới vợ. Chị Hà- vợ anh cũng là người theo bố mẹ từ xuôi lên lập nghiệp, nên phần nào hiểu và chia sẻ được những khát khao của chồng.

Dù phải chạy bữa từng ngày nhưng vợ chồng vẫn bàn bạc, vay vốn để anh đi học lớp Trung cấp chăn nuôi Sông Bôi (Hòa Bình), mong có thêm nhiều kiến thức chăn nuôi bò sữa. “Đời sống công nhân nông trường thời đó thiếu thốn trăm đường. Cách chăn nuôi tập trung bao cấp kém hiệu quả nên cái nghèo đeo đẳng” - Anh Trân tâm sự.

Năm 1990, nông trường bắt đầu có chủ trương khoán chăn nuôi bò sữa hộ gia đình theo hướng cho nợ, trả góp - Một cơ hội đổi đời với nhiều người có chí làm giàu.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ; thường trực nỗi mừng-lo; anh bàn bạc với vợ, mạnh dạn nhận hơn 10 ha đất, đàn bò, bê 30 con (số lượng lớn nhất mà hộ gia đình nhận nuôi lúc đó) cùng hệ thống chuồng trại tập thể để lại với số tiền 70 triệu đồng. Số tiền quá lớn so với gia tài gia đình lúc đó, anh phải vay ngân hàng 40 triệu, còn lại phải nợ nông trường trả dần.

Thời gian đầu, công việc “nặng như núi” đè lên vai vợ chồng anh Trân. Anh phải thuê thêm người cắt cỏ, vắt sữa, xây dựng, sửa sang chuồng trại. Tưởng chừng mọi chuyện xuôi chèo mát mái, nào ngờ điều không may xảy ra khi hàng loạt bò lăn ra ốm. Nhìn đàn bò ủ rũ nằm la liệt ra sàn mà ruột anh như bị cắt.

“Không thể tin nổi nếu cả cơ ngơi này đổ sập. Với tôi đó là “canh bạc cuộc đời” mà gia đình tôi đang gánh vác”. Vợ chồng anh chạy chữa đủ đường, kể cả mời bác sỹ thú y, cán bộ kỹ thuật nông trường… cứu chữa, nhưng những tia hy vọng cứu sống đàn bò chỉ le lói. Anh Trân nhớ lại: “Cuối cùng, 12 con bò, bê khai thác sữa đã chết. Một bài học để đời với tôi, về cách vệ sinh chuồng trại và các kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc đàn bò”…

Giới thiệu về hệ thống chuồng trại mới, đứng gần những “cô” bò đang hắm húi ăn, anh Trân nói: “Anh thấy đấy, 50 con, có tới 30 con đang thời kỳ khai thác sữa, 20 con là bò tơ và bê.

Với những hộ chăn nuôi bò sữa như chúng tôi có nói  “nuôi lợn ăn cơm nằm, còn nuôi bò… ăn cơm đứng” thì đúng hơn. Vì chăm sóc bò sữa phải tận tình, vất vả, chăm chút từng li từng tí như chăm con trẻ.

Với bò, bê ở các giai đoạn khác nhau: bê cai sữa, bê tơ, bò khai thác sữa, bò hết thời kỳ khai thác sữa…, đều có chế độ ăn, chăm sóc khác nhau. Nếu sểnh một tí là phải trả giá ngay. Tôi đã học được nhiều bài học xương máu từ nhiều năm trước, qua những lớp tập huấn, cộng với sự giúp đỡ của cán bộ Cty và nhiều đồng nghiệp khác…

“Vua bò sữa” thảo nguyên

'Vua bò sữa' Mộc Châu ảnh 1
Đàn bò nhà anh Trân cho 4,5 - 5 tạ sữa/ngày 

Gia đình anh Trân thực sự bắt đầu đổi đời từ năm 2000, khi vợ chồng anh trả hết nợ cho ngân hàng và Cty. “Gánh nặng nợ nần đã hết, cuộc sống gia đình cải thiện, thu nhập ổn định, con cái vì thế cũng được học hành tử tế”-Anh Trân phấn khởi.

Anh Phạm Hải Nam - cán bộ Phòng sản xuất, kinh doanh-Cty Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: “Ngành “công nghiệp trắng” đã trở thành một trong những hướng mũi nhọn ở Mộc Châu, mang lại cuộc sống cho nhiều gia đình khấm khá hơn. Nhiều gia đình đã vươn lên thành hộ giầu. Anh Trân hiện là người có lượng bò nhiều nhất và cung cấp lượng sữa lớn nhất cho Nhà máy sữa Mộc Châu”.

Hơn 20 năm trong nghề nuôi bò sữa tại cao nguyên này, anh Lâm Thanh Trân không còn lạ với bà con chăn nuôi ở Mộc Châu. Giờ anh có thể tự tin nói về mọi công đoạn như một chuyên gia bò sữa, từ khâu chăm sóc bê con, bê tơ, lúc thành bò khai thác sữa… một cách thuần thục mà vốn dĩ rất khó nếu không am hiểu nghề.

Chả thế mà đàn bò gia đình luôn khỏe mạnh, chất lượng sữa được đánh giá cao. Trong 30 con bò khai thác sữa, trung bình cho sản lượng 18-25 kg sữa/ngày/con, có con năng suất cao có thể lên 35-40 kg sữa/ngày/con.

Sau khi mở rộng và tiếp tục nâng cấp hệ thống chuồng trại, hố ủ thức ăn chua, anh tiếp tục đầu tư mua sắm các thiết bị, máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy băm thức ăn ủ chua, xe trâu kéo cỏ..., gia đình anh đã bắt đầu giai đoạn bứt phá.

Hiện, gia đình anh có hơn 10 ha đất canh tác, trong đó có 8,4 ha trồng cỏ, còn lại là hệ thống chuồng trại và đất trồng ngô làm thức ăn ủ chua, phục vụ cho bò khi mùa đông đến. Anh cũng thuê 5 lao động thường xuyên với mức lương 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, nếu vào mùa vụ, lúc cao điểm anh thuê thêm nhiều người làm.

Mấy năm trở lại đây, gia đình anh Trân luôn là một trong những hộ thu nhập cao nhất trong các chủ hộ chăn nuôi bò sữa của Cty giống bò sữa Mộc Châu.

Năm 2005, anh bán cho Cty được 95 tấn; năm 2006 là 110 tấn; riêng năm 2007, anh dự tính có thể đạt 130 tấn. Nhờ nguồn thu từ sữa, hằng nằm thu nhập khoảng 400 triệu đồng; trừ các khoản phí, lãi từ nuôi bò lấy sữa khoảng 150- 200 triệu đồng.

Khi tôi nhắc đến cụm từ “vua bò sữa”, anh Trân, vốn tính khiêm tốn, rụt rè nói: “Người ta cứ gọi thế thôi, chứ tôi chỉ nhận là nông dân chăn nuôi bò sữa điển hình thôi”.

Gần dịp Tết 2006, một niềm vui lớn là gia đình anh được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm. “Tổng Bí thư đã ân cần hỏi han công việc hàng ngày, cuộc sống gia đình và động viên sản xuất, chăn nuôi giỏi. Đó là niềm hạnh phúc lớn người chăn nuôi chúng tôi”- khuôn mặt anh sáng ngời khi nhớ lại lời căn dặn của Tổng Bí thư.

Khi tôi gọi điện hỏi thăm gia đình anh, chị Hà vợ anh Trân nghe máy: “Tôi là Hà vợ anh Trân đây ạ!... Ông ấy đi Pháp hôm trước rồi. Ông ấy đi cùng đoàn cán bộ Cty Giống Bò sữa Mộc Châu sang để tìm hiểu và bồi dưỡng thêm về kiến thức chăn nuôi bò sữa và học cách làm pho-mát tại nông hộ. Chắc gần nửa tháng sau ông ấy mới về chú ạ”!

Rời nông trại của anh Trân khi trời đã xế chiều, ánh nắng chênh chếch như rải vàng xuống thảo nguyên mênh mông trong cái se lạnh của chiều Tây Bắc.

Nhìn những đứa trẻ đi học về cười nói dọc đường, tôi nhớ lại lời nói đầy khao khát của anh Trân: “Cuộc sống người dân chăn nuôi bò sữa đã được đổi đời, giọt sữa trắng đã làm cho cuộc sống chúng tôi sáng sủa hơn…”.

Chăn nuôi bò sữa đã phát triển ở Mộc Châu gần 50 năm nay, trải qua nhiều mô hình chăn nuôi, quản lý khác nhau. Những năm gần đây, việc nuôi bò sữa được khoán theo hộ gia đình đang được đánh giá thành công nhất tại Mộc Châu khi số lượng  hộ chăn nuôi quy mô lớn tăng lên hàng năm. Năng suất, sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng cao, năm sau cao hơn năm trước từ 1.500 đến 2.000 tấn. Nhiều hộ chăn nuôi đã có kinh tế khá, giàu.

Hiện, Cty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có hơn 1.000 ha đất trồng trọt, 10 đơn vị chăn nuôi với 556 hộ, tổng đàn bò sữa hiện tại gần 4.000 con, sản xuất 10 nghìn tấn sữa tươi mỗi năm.

Mục tiêu đến 2010 có tới 7.000 bò sữa, đạt mỗi năm 17- 20 nghìn tấn sữa tươi và 200-400 con bò giống/năm. Nhà máy sữa Mộc Châu đã chế biến các loại sữa thanh trùng, tiệt trùng, sữa bánh nguyên chất, bơ tươi…

Hàng năm, vào trung tuần tháng 10, Mộc Châu tổ chức Cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” nhằm chọn ra những con bò năng suất và phẩm giống tốt nhắt, đồng thời tôn vinh các hộ gia đình, công nhân chăn nuôi bò sữa.

MỚI - NÓNG