Vua cá Dương Ngọc Minh dọn đường cho người trẻ kế nhiệm

Người ta vẫn thấy ông Minh là con người đầy quyết liệt, bản lĩnh và kiên cường chống chọi vượt qua khó khăn.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương đang đặt cược cơ đồ công ty vào kết quả đánh thuế chống bán phá giá POR 14 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 19-4 đến đây.

Là linh hồn của Hùng Vương từ khi mới thành lập cho đến khi phát triển vượt bậc, và chiến lược sai lầm đã đẩy công ty vào tình thế đến mức có thời điểm đã tính đến chuyện phá sản. Nhưng người ta vẫn thấy ông Minh là con người đầy quyết liệt, bản lĩnh và kiên cường chống chọi vượt qua khó khăn.

Nhường lại cho lớp trẻ

Tuy nhiên, ông đã hé lộ đến lúc phải rời vị trí người đứng đầu Hùng Vương, nhường lại cho lớp trẻ. Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào sáng 22-2 vừa qua, ông Minh cho biết, đến năm 2021, ông sẽ nhường vị trí cho lớp trẻ, và chỉ đứng đằng sau hỗ trợ.

Lời tuyên bố mạnh mẽ này của ông có thể hiểu, vì ông đã vượt qua đỉnh dốc thăng hoa của đời người, sức sáng tạo cũng đã hết, mọi sức lực đã tận cùng trong cuộc chiến giữ sự tồn tại thương hiệu Hùng Vương trong thời gian dài đầy khó khăn vừa qua.

Vì sao suốt giai đoạn khó khăn, ông có thể làm động tác thoái vốn và lui về hậu trường, chỉ đến ngày hôm nay, ông Minh mới mạnh miệng tuyên bố nhường vị trí lãnh đạo.

Điều này nằm ở tình huống đảo chiều đầy thuận lợi cho Hùng Vương. Trước hết, mức thuế sơ bộ sau đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố 9 tháng đầu năm 2018 với Hùng Vương là 0%. Và ông Minh tiêp tục kỳ vọng kết quả cuối cùng POR 14 sẽ được công bố vào tháng 4-2019, Hùng Vương tiếp tục hưởng mức thuế 0%.

“Công ty sẽ quay trở lại thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2010—2011, và kỳ vọng sẽ chiếm 40% thị phần Mỹ”, ông Minh nói.

Sự khẳng định của ông Minh dựa trên một loạt các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Ông đã bỏ ra chi phí 2 triệu USD để mời các luật sư, công ty phân tích để xem xét và chuẩn bị kỹ hồ sơ phục vụ POR 14.

Ông Minh cũng đưa ra 3 trường hợp giả định, mà trong bất kỳ tình huống nào Hùng Vương cũng đều có lợi với POR 14.

Thứ nhất, hiện DOC đã sử dụng các thông tin lợi thế của Hùng Vương để tính toán số liệu và gạt bỏ những đánh giá bất lợi thì mức thuế Hùng Vương sẽ âm 17 cent.

Thứ 2, nếu DOC đưa vào 50% lợi thế và 50% bất lợi để tính toán, thuế của Hùng Vương vẫn bằng 0%. Và cuối cùng, nếu DOC chỉ tính các bất lợi, mức thuế áp cho Hùng Vương cũng sẽ là 7 cent.

Với những tính toán trên, Hùng Vương đang trở thành công ty có lợi thế nhất trên thị trường Mỹ, vì hiện hai đơn vị có lợi thế tại Mỹ là Vĩnh Hoàn, đang chịu mức thuế 8cent và Biển Đông là 19 cent.

“Và một khi POR 14 thành công, năm 2020, Hùng Vương sẽ định hướng lại chiến lược công ty phát triển một cách bền vững với doanh thu mục tiêu là 20 ngàn tỉ đồng/năm. Chúng ta sẽ không còn xây dựng chiến lược đối phó qua từng năm mà thực hiện chiến lược dài hơi để lấy đà tăng trưởng trở lại. Chúng ta sẽ lấy lại những gì đã mất, mà đầu tiên sẽ mua lại Công ty thức ăn chăn nuôi Việt thắng đã bán cho Vingroup, để gia tăng lợi thế cho mục tiêu chuỗi giá trị khép kín trong ngành”, ông Minh nói.

Sẽ lấy lại những gì đã mất

Một lợi thế khác để bổ trợ cho việc phát triển mạnh tại thị trường Mỹ là Hùng Vương đang nỗ lực quay lại ngành cốt lõi kinh doanh cá tra, sau một thời gian dài thực hiện chiến lược mua bán và sáp nhập đa ngành.

Chính điều này đã kéo Hùng Vương xuống vực thẳm và phải bán nhiều tài sản để trả nợ và tái câu trúc tài chính. Ông Minh cũng cho biết, tổng nợ từ năm 2015 cho đến năm 2019 của Hùng Vương đã giảm từ 12.000 tỉ đồng xuống còn 3.124 tỉ đồng, tỷ lệ giảm nợ đạt khoảng 70%.

Thế nhưng cuộc chiến tồn tại của Hùng Vương vẫn chưa chấm dứt, vì mọi thứ ông đặt ra vẫn chưa trong tầm kiểm soát, và ông vẫn còn nhiều thứ để lo.

Sau khi phác họa ra viễn cảnh tốt đẹp của Hùng Vương, ông Minh đã không quên "đe" ngân hàng: "Nếu các anh không cho vay thì sau này thành công các anh có đưa tiền tôi cũng không nhận, mà lấy tiền từ khách hàng để kinh doanh".

Vua cá Dương Ngọc Minh dọn đường cho người trẻ kế nhiệm ảnh 1
Ông Minh huy vọng công ty Hùng Vương sẽ quay trở lại thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2010—2011.

Chưa hết, ông Minh còn cho biết, để tận dụng tốt POR 14 thì Hùng Vương phải tăng sản lượng nuôi lên 150 ngàn tấn cá, nhưng cần đến 3.000 tỉ đồng đầu tư. Số tiền này cần đến ngân hàng nhưng ông Minh cho biết, hiện sản lượng cá tra của Hùng Vương đủ để sản xuất đến tháng 7 và đang nuôi khoảng 70-80 ngàn tấn cá, mà không cần vay một đồng nào từ ngân hàng.

Tuy nhiên Hùng Vương vẫn đang vướng đầu tư dang dở nuôi heo. Nguồn tiền vay cần hoàn thiện cho mảng này là 700 tỉ đồng nhưng chỉ vay được 100 tỉ đồng. Trong khi tính đến cuối năm 2018, Hùng Vương có 15.000 con giống, trong đó 1.500 con cụ kỵ, 1.500 ông bà, 12.000 bố mẹ.

Hùng Vương cũng mong muốn hoàn thiện xong mảng kinh doanh này để thoái vốn được giá.

Theo PLO
MỚI - NÓNG