“Vua heo” Chung Kim và trại heo giá trên 3 triệu USD

“Vua heo” Chung Kim và trại heo giá trên 3 triệu USD
TP- Từ chối sang Canada định cư cùng gia đình Chung Kim, 56 tuổi ở xã Bầu Bàng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương lại “bám làng” vì còn nặng nợ với đàn heo.
“Vua heo” Chung Kim và trại heo giá trên 3 triệu USD ảnh 1
Một góc của trang trại heo của Tư Kim, nơi được trả giá 3 triệu USD

Mới đây “vua heo” Chung Kim còn làm nhiều người “sốc” khi thẳng thừng từ chối một doanh nghiệp lớn của Đại Hàn đòi mua lại trại heo hơn 13.000 con của ông với giá trên 3 triệu USD.

Ông còn có cái tên Tư Kim. Nhưng nhiều người gán cho ông cái tên “vua heo” và gọi thân thiết cái tên ấy khi ông bắt tay vào nghề nuôi heo công nghiệp từ những năm 1986.

Hiện gia tài của ông “rặt nông dân” này là một trại heo hoành tráng với hơn 13.000 con heo, một nhà máy chế biến thức ăn gia súc.

Không những thế ông là một trong những người làm giống heo số 1 của Việt Nam khi dám bỏ ra tới gần 26 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập các giống heo siêu nạc số 1 của thế giới đem về trang trại của mình.

Chuyện nuôi heo của Tư “khùng”

Ấy thế mà “vua heo” Tư Kim vẫn giản dị như một lão nông thực thụ. Theo ông làm gì thì làm chứ cái gốc nông dân của mình cũng không thể thay đổi được dẫu cho bây giờ đã là triệu phú! Ông cười khà rồi rít điếu thuốc, tiếp: Hồi xưa nhà tui nghèo rớt mồng tơi. Ba mẹ tui gắng lắm mới mở được cơ sở khô dầu làm thức ăn cho heo để mưu sinh nuôi 9 anh em tui. Buổi đầu ông già tui nuôi một con heo mọi, nó cứ “sống chung” với tui từ nhỏ, vậy là tui thích heo từ đó.

“Mãi đến năm 1986 cả gia đình tui qua Canada định cư, tui thì không có trình độ qua bên trời Tây cũng chỉ đi làm thuê cho người ta thôi. Nhiều đêm suy nghĩ rút cuộc tui quyết định ở lại quê hương vì tui còn mang trong mình niềm đam mê nghề... nuôi heo”- Tư Kim nói như vậy.

Theo ông những năm 1986 đi ra nước ngoài định cư không phải là chuyện dễ, còn mình thì cứ nằng nặc bám làng nuôi heo. “Vậy là đi đâu gặp ai tui bị họ bảo cứ chuốt khổ vào thân. Họ còn bảo tui là...Tư “khùng”.

Sau khi mọi người ổn định bên Tây, vợ chồng Tư Kim lặng lẽ ở lại Bầu Bàng thực hiện đam mê nuôi heo công nghiệp của mình.

Ông vay mượn bạn bè thêm vốn để nuôi vài chục con lấy lãi vì tận dụng thức ăn cho heo do mình tự chế biến được. Mỗi năm ông mở rộng thêm diện tích và số heo lên và dần dà trại heo của ông cứ lớn lên từ vài chục con từ những ngày đầu, đến năm 2000 đã lên trên 5 nghìn con.

Gặp lúc nghề nuôi heo đang thịnh rồi được giá cao, Tư Kim thành lập Công ty TNHH chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc Kim Long. Chưa hết, ông còn mở rộng diện tích khu vực nuôi heo lên tới 33 ha trong đó dành 15 ha nuôi heo giống và 18 ha nuôi heo thịt.

Nhiều người còn bị sốc hơn khi vào thời điểm năm 1999, Tư “Khùng” còn bạo dạn xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nhập heo ngoại về trang trại của mình, mặc dù lúc đó Việt Nam cấm nhập các giống heo do có một số doanh nghiệp nhập giống heo ngoại đã bị “chết yểu” rồi tán gia bại sản vì heo ngoại.

Nhưng theo cách Tư Kim lý giải thì “Con heo nái nền ở Việt Nam còn nhiều nhược điểm do gien cũ khiến con giống chậm lớn, năng suất không cao, tỷ lệ mỡ nhiều, số con/lứa thấp”. Vậy là Tư Kim dám bỏ gần 300.000 USD xin Bộ Nông nghiệp nhập 200 con heo siêu nạc nổi tiếng của các nước về làm giống.

“Ít ai biết được giá heo giống mà tui nhập của Đan Mạch, Bỉ, Canada, Mỹ, Pháp lên tới 1.300 USD/con cái và 1.500USD/con đực chưa kể chi phí vận chuyển bằng máy bay mỗi con cũng tốn hàng trăm USD”- Ông nói.

“Vua heo” Chung Kim và trại heo giá trên 3 triệu USD ảnh 2
Ông Tư Kim đã được Bộ NNPT-NT tặng bằng khen

“Vua heo” và những trăn trở!

“Heo của Tư Kim sống xa hoa quá! Heo sống còn hơn cả người”. Nhiều người khi tham quan trang trại heo của ông Tư ví von như vậy.

Tại trang trại dành cho khu vực heo giống với diện tích 15 ha, ngay cửa ra vào, người tham quan sẽ được mặc áo bảo hộ, xe được phun một lớp hóa chất để khử trùng mà theo ông Tư Kim để tránh các loại dịch bệnh.

Khu vực trang trại bề thế nằm trong rừng cao su, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại công nghệ của Mỹ như hệ thống phân phối thức ăn, hệ thống làm lạnh, khu Trại cách ly dành cho heo nhập về do các chuyên gia nước ngoài trực tiếp lắp đặt.

Điều khiến nhiều người khi sở thị trang trại của “vua heo” đều băn khoăn: “Tại sao hơn 13 nghìn con heo sinh sống vây mà chả thấy một mùi hôi?”. Vua heo giải thích: “Chả có bí quyết gì đâu. Nhưng vì mình sử dụng chất Sanjiban của Ấn Độ. Phân heo có mùi thối là do chất dinh dưỡng trong thức ăn không được heo hấp thụ hết khi thải, phân bị phân hủy sẽ gây mùi. Do vậy, tui cho Sanjiban rải xuống khu vực chứa chất thải, chất này có tác dụng tạo vi khuẩn có lợi để tiêu diệt những vi khuẩn gây thối trong phân nên không có mùi”.

Không có một khuyết điểm nào trong khuôn viên nuôi heo của vua heo. Tuy nhiên, theo Tư Kim, trăn trở lớn nhất của ông là nếu người làm nông nghiệp không biết dùng giống tốt thì khó mà cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Một điều đáng buồn khác cho người chăn nuôi, vừa qua các nhà khoa học chỉ biết công bố việc chăn nuôi sử dụng thức ăn tăng trọng, tồn dư độc tố trong thịt heo gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng nhưng vẫn chưa thấy họ đưa ra những giải pháp, nghiên cứu nào để giải quyết vấn đề này giúp người chăn nuôi…

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.