Nhà máy đầu tư 150 tỷ đồng:

Vừa hoạt động đã có nguy cơ phá sản

Vừa hoạt động đã có nguy cơ phá sản
TP - Mặc dù là công trình thí điểm của Chính phủ với số vốn trên 150 tỷ đồng nhưng dự án “Vùng nguyên liệu và Nhà máy ván dăm Thái Nguyên” (thuộc TCty Lâm nghiệp Việt Nam-VINAFOR) đã bộc lộ nhiều sai phạm, gây nhiều lãng phí, thất thoát…
Vừa hoạt động đã có nguy cơ phá sản ảnh 1
Dây chuyền công nghệ của nhà máy

Thua lỗ vì thiếu đồng bộ

Dự án (DA) vùng nguyên liệu và Nhà máy ván dăm Thái Nguyên được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 1999, với tổng mức đầu tư 150,3 tỷ đồng. Trong đó, số vốn dành cho vùng nguyên liệu là 44 tỷ đồng; nhà máy ván dăm: 106,3 tỷ.

Đây là một trong hai DA thí điểm của Chính phủ nhằm vực dậy ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Vì thế, Chính phủ đã đồng ý cho Nhà máy sử dụng chủ yếu bằng vốn ODA. Tuy nhiên, từ khi xây dựng, mua sắm trang thiết bị đến lúc đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều sai phạm từ chính những người trực tiếp thực hiện DA này.

Những sai sót trong đầu tư công nghệ là nguyên nhân chính khiến nhà máy lâm cảnh khó khăn. Ông Trần Đức Sinh – nguyên Phó TGĐ VINAFOR, Giám đốc DA, hiện là Chủ tịch HĐQT VINAFOR - được cử trực tiếp đi đàm phán DA này.

Cứ theo lời ông Sinh thì, khi sang bên Trung Quốc đàm phán, ông đã “mất ăn mất ngủ”, “trằn trọc thâu đêm” để tìm biện pháp đàm phán với đối tác, với mục đích mua được máy móc tốt, giá phải chăng!

Chưa biết lời ông Sinh nói đúng sai thế nào nhưng thực tế, khi nhà máy đi vào hoạt động, dây chuyền công nghệ này đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với sản xuất công nghiệp.

Trước tình hình đó, ông Sinh đã chỉ đạo mua một số thiết bị trong nước (chiếm gần 20% số thiết bị), dẫn đến sự thiếu đồng bộ về công nghệ, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Về việc này, ông Trần Đức Sinh giải thích “do cơ chế” và để “tiết kiệm ngoại tệ”, “tạo điều kiện cho sản xuất cơ khí trong nước”...

Kể từ khi đi vào hoạt động (2/2002), thiết bị liên tục hỏng hóc, phải sửa chữa, thay thế; nhà máy thường xuyên ngừng sản xuất. Trong 3 năm (2002 - 2005), công suất hoạt động của nhà máy chỉ đạt khoảng 30%.

Hơn một nửa sản phẩm loại B và C, không đáp ứng được thị trường, dẫn đến thua lỗ. Số tiền thua lỗ chưa thể thống kê, do DA chưa quyết toán nhưng số vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng vẫn chưa phát huy lợi ích được bao nhiêu, nếu không muốn nói là thất thoát, lãng phí.

Không ai chịu trách nhiệm?

Trước những khó khăn không thể tự giải quyết, tháng 5/2006, Cty ván dăm Thái Nguyên đã trình Bộ NN&PTNT kế hoạch trả nợ vay đầu tư. Theo đó, hàng loạt khó khăn được chỉ ra:

Máy móc thiết bị thường xuyên hỏng hóc; giá thành sản phẩm cao hơn giá bán; DA đầu tư thiếu đồng bộ; đội ngũ công nhân không lành nghề…

Để giải quyết thực trạng này, Cty đề nghị VINAFOR cho vay vốn lưu động 5 - 7 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho Cty vay vốn trả ngân hàng…

Nhiều người trong ngành (trong đó có cả ông Vũ Khang, lúc đó là Chủ tịch HĐQT VINAFOR) nhận định: Rất khó vực dậy nhà máy này nên tốt nhất là tuyên bố phá sản. Thế nhưng, Cty, TCty và Bộ NN&PTNT đã không có phương án cụ thể.

Những khó khăn của Nhà máy càng ngày càng trầm trọng hơn. Bằng chứng là Nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu tổng thể. Việc quyết toán mới chỉ xong khâu kiểm toán, trong đó nhiều hạng mục phát sinh mà Bộ NN&PTNT chưa phê duyệt.

Một phần thiết bị mua của đối tác nước ngoài chưa được nghiệm thu. Đáng chú ý, đời sống CBCNV vô cùng khó khăn, nhiều CB kỹ thuật được đào tạo tại Trung Quốc rất tốn kém đã chuyển nơi khác…

Trong lúc kiệt quệ đó, lãnh đạo Nhà máy không những không chăm lo đời sống CBCNV hay khôi phục nhà máy mà còn chuyển cho Cty cổ phần cơ khí - lâm nghiệp FORMAH (trực thuộc TCty Lâm nghiệp VN) là bên cung cấp thiết bị phụ trợ trong nước số tiền 21.000 USD trái với quy định.

Về việc này, ông Sinh nói: “Đó là thành tích của tôi. Bởi số tiền này có được là do tôi yêu cầu đấu thầu nên tiết kiệm được. Hiện, FORMAH đang khó khăn nên chưa trả được cho Cty…”.

Trước tình hình thua lỗ triền miên đó, HĐQT VINAFOR đã nhiều lần yêu cầu phó TGĐ Trần Đức Sinh tập trung giải quyết các tồn tại và báo cáo Bộ NN&PTNT về thực trạng của nhà máy nhưng ông Sinh vẫn không chịu thực hiện.

Đáng ngạc nhiên, thực trạng của DA đã nhiều lần được ông Vũ Khang - Chủ tịch HĐQT VINAFOR (lúc đó) báo cáo Bộ trưởng NN&PTNT nhưng Bộ này vẫn chưa có phương án giải quyết.

Cũng theo ông Vũ Khang, trách nhiệm chính dẫn đến việc thua lỗ triền miên của Nhà máy thuộc về ông Trần Đức Sinh. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PV Tiền phong về trách nhiệm của mình, ông Sinh nói: “Tôi không có sai sót gì. Vì mọi việc tôi đều xin và được phép của cấp trên!”.

Cơ quan CSĐT CA tỉnh Thái Nguyên vừa khởi tố vụ án tham ô và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cty ván dăm Thái Nguyên; đồng thời khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thị Hồng Chín - Thủ quỹ Cty về tội tham ô. Cơ quan CSĐT xác định: Chín đã câu kết với một số đối tượng cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, tham ô trên 400 triệu đồng. Vụ án đang được mở rộng điều tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG