“Vua khoai lang” đồng bằng

“Vua khoai lang” đồng bằng
TP - Khi đến xem trang trại màu rộng trên 10 ha và chứng kiến mô hình làm ăn hiệu quả của anh Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo), ở ấp Hiệp Tân,  (Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang), nhiều người trầm trồ thán phục...

Nằm giữa cánh đồng heo hút Mỹ Hiệp Sơn, vừa bước vào nhà đã thấy ngay phòng thí nghiệm “mi ni” với đầy đủ trang thiết bị chuyên dùng; một tủ sách cả trăm cuốn chuyên đề về bảo vệ thực vật, các mô hình sản xuất hiệu quả… và hàng ngàn tên thuốc nông nghiệp được anh ghi lại để theo dõi.

Cạnh đó, là trang trại khoai lang đang lên xanh rì, chạy dài ngút tầm mắt. Ba Hạo đầu trần chân đất, mặt mày đen, râu ria tua tủa đang cặm cụi tưới khoai.

Vừa nghỉ tay, anh vội bới đất móc lên gần chục củ khoai lang tím mời khách: “Đây là giống khoai tím mới nhập từ Nhật về, trồng được gần 2,5 tháng, phát triển tốt lắm. Ưu điểm là củ to và ăn rất ngon, các công ty chuyên xuất khẩu khoai sấy và đóng hộp sang Đài Loan và Singapore đặt mua 150.000 đồng/tạ, cao gấp đôi các giống khoai khác. Nhưng nói thật, trồng khoai cực lắm. Mờ sáng đã ra đồng đến tối mịt mới về nhà, ngày nào cũng theo dõi thời tiết, sâu bệnh… để có cách phòng trị”, Ba Hạo nói.

Là dân gốc Thái Bình, anh rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới ở vùng tứ giác Long Xuyên. Sau những tháng ngày lăn lộn trên ruộng đồng, năm 2003, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, Ba Hạo quyết định bỏ lúa đông- xuân để chuyển sang trồng khoai lang trái vụ.

Anh đồng loạt xuống giống khoai vào tháng giêng. Thấy vậy, nhiều người bảo anh khùng, bởi thời điểm này hạn nặng không đủ nước tưới và cực chăm sóc.

Đặc biệt, khoai rất dễ bị sùng, chưa kể năng suất thấp và dễ mất mùa. Ba Hạo vẫn làm bởi anh đã tìm ra cách khắc phục, nên mở rộng qui mô lên 130 công. 5 máy bơm trên 12 mã lực đặt tại 5 điểm, để bơm nước vào ruộng khoai.

Giống được chọn từ những cây khỏe đủ sức đề kháng, bón phân cân đối và phun thuốc phòng ngừa bệnh sùng… Đến kỳ thu hoạch, năng suất đạt bình quân 62 tạ/công(đạt kỷ lục), bán được giá cao 80.000 đ/tạ, trừ chi phí anh lời hơn 400 triệu đồng.

Đến vụ hè-thu, anh trồng 35 công dưa hấu. Vụ này, khoảng 95% số hộ trồng dưa bị lỗ, do dịch bọ trĩ tấn công làm cho dưa héo đọt, hư trái… Thế nhưng, ruộng dưa của anh trúng lớn, đạt lợi nhuận gần 140 triệu đồng. Các năm sau, anh cũng thu lợi nhuận tương tự.

Say mê nghiên cứu khoa học

“Vua khoai lang” đồng bằng ảnh 1
Thu hoạch khoai lang ở trang trại Ba Hạo

Ba Hạo là nông dân cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật. Anh nhiều lần lấy mẫu đất lặn lội lên các Viện, Trường đại học ở TP HCM,  Cần Thơ… nhờ chuyên gia phân tích độ pH, hàm lượng hóa học… để biết vùng đất phèn tứ giác Long Xuyên chất nào thiếu, chất nào dư để điều chỉnh.

Anh mua rất nhiều loại sách nông nghiệp về đọc, nghiên cứu áp dụng. Ba Hạo còn là nông dân đầu tiên ở địa phương bỏ ra hàng chục triệu đồng mua kính hiển vi, hóa chất, trang thiết bị, làm qui trình cấy nấm… mở phòng thí nghiệm để xét bệnh khoai.

Theo Ba Hạo, trồng khoai lang cái khó là bị bọ hà tấn công và bệnh nấm gây thối củ sau khi thu hoạch. Từ lúc có phòng thí nghiệm đã giúp anh tìm được cách phòng trị.

Anh còn pha chế thành thạo các vi lượng dinh dưỡng bón cho dưa hấu và khoai lang, phù hợp từng vùng đất và từng thời kỳ sinh trưởng. Với cách làm này, trang trại khoai lang và dưa hấu của anh luôn đạt năng suất cao nhất vùng.

Nhiều công ty trong và ngoài nước đến đặt mua sản phẩm, họ còn hợp đồng làm ăn dài hạn. Nhờ đó, mỗi năm anh có nguồn thu ổn định, trung bình lợi nhuận từ 500 – 600 triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn vận động bà con trong vùng làm theo và thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp phòng trị bệnh… tạo nên phong trào trồng khoai lang đại trà.

Ở Hòn Đất bây giờ, Ba Hạo được xem là nông dân “cá biệt” trồng khoai lang và dưa hấu thành công nhất vùng đất phèn tứ giác Long Xuyên. Anh tính đưa sản phẩm của mình lên mạng để giới thiệu đến các nước, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm tồn đọng dư lượng thuốc trừ sâu, tiến tới trồng khoai sạch, đồng kích cỡ, đồng màu sắc… xuất khẩu sang thị trường châu  Âu.  

MỚI - NÓNG