“Vua tàu” tuổi 30

“Vua tàu” tuổi 30
TP - Mới gặp, chắc hẳn không ai nghĩ rằng người thanh niên dáng thư sinh, ăn mặc giản dị, nói năng khiêm nhường này lại được mệnh danh là “Vua tàu” ở Xuân Trường (Nam Định).
“Vua tàu” tuổi 30 ảnh 1
Đóng tàu tại Cty TNHH Việt Tiến

Nguyễn Đức Phùng (sinh năm 1975), nhưng đã là Giám đốc Cty TNHH đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Cty CP vận tải biển An Lập.

Làm ông chủ từ khi học THPT

Ông Nguyễn Đức Lê, cha Phùng cho biết, gia đình ông có nghề cơ khí từ lâu. Ngay từ khi còn nhỏ, Phùng đã say mê tìm tòi nghề nghiệp của cha ông và là đứa năng động nhất nhà.

Khi bước vào học cấp 3, Phùng đã xin bố mẹ cho mình một vài chiếc máy, thuê hơn chục công nhân để thành lập một tổ cơ khí chuyên sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng.

Năm 1994, Phùng 19 tuổi, anh quyết định chuyển xưởng cơ khí ra khu vực cầu Lạc Huần ven con sông Ninh Cơ -  một nhánh lớn của sông Hồng. Trong thời gian này, Phùng đã đi học thêm nghề cơ khí tàu thuyền. Tại cơ sở mới, Phùng tổ chức vừa kinh doanh vừa sản xuất.

Năm 1997, chàng thanh niên 24 tuổi Nguyễn Đức Phùng quyết định xây dựng một xưởng cơ khí tàu thuyền thứ hai ở dốc Xuân Bản, bên bờ sông Ninh Cơ với  quy mô lớn gấp đôi cơ sở cũ. 

Hiện Phùng là Phó chủ nhiệm CLB doanh nghiệp trẻ Nam Định và là chủ nhiệm CLB doanh nghiệp trẻ huyện Xuân Trường.

Năm 2002, Nguyễn Đức Phùng là doanh nhân trẻ nhất toàn quốc được T.Ư Đoàn, Bộ công nghiệp tặng bằng khen..

Năm 2005, Nguyễn Đức Phùng vinh dự là một trong mười thanh niên nông thôn đoạt “Giải thưởng việc làm cho thanh niên” do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trao tặng.

Cũng 2005, doanh nghiệp Việt Tiến và An Lập của Nguyễn Đức Phùng giành lá cờ đầu của ngành công nghiệp Nam Định, được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Ngoài ra  còn mở thêm một xưởng cơ khí tại nhà. Tại cơ sở mới, vừa tổ chức sản xuất, Phùng vừa theo học khoa thiết kế tàu trường Đại học Hàng hải.

Ba mươi tuổi, giám đốc hai Cty lớn

Vào năm 1999, Nguyễn Đức Phùng  là người đầu tiên mở nhà máy đóng tàu và sửa tàu thuyền tại khu bãi dâu bên dòng sông Ninh Cơ, trên diện tích 10 ha.

Tiếp sau nhà máy của Phùng nhiều xưởng sửa chữa đóng mới tàu thuyền mọc lên để đến hôm nay đã hình thành một cụm công nghiệp tàu thuyền Xuân Trường, đưa Xuân Trường trở thành “quê hương” của ngành sửa chữa đóng tàu và vận tải thủy của tỉnh Nam Định và khu vực.

Hiện khu công nghiệp Xuân Trường có 9 đơn vị sửa chữa đóng tàu và đã xuất hiện nhiều gia đình theo nghề đóng tàu, có những gia đình có tới bốn, năm tàu vận tải.

Tại cơ sở mới, Nguyễn Đức Phùng đã đầu tư trên 50 tỷ đồng cho việc xây dựng một nhà máy đóng tàu hiện đại gồm  một xưởng sửa chữa và một xưởng đóng mới.

Trước sự phát triển về quy mô, năm 2002 Nguyễn Đức Phùng đã thành lập Cty TNHH Việt Tiến với chức năng đóng mới sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh sắt thép phục vụ cho ngành cơ khí đóng tàu với trên 300 cán bộ công nhân. Doanh số năm 2005 đạt gần 100 tỷ đồng.

Năm 2006, Giám đốc Phùng cho biết đã lấp đầy kế hoạch cả năm, đóng mới khoảng 50 tàu và sửa chữa khoảng 70 tàu, doanh số sẽ gấp đôi 2005. Năm 2005, anh tiếp tục đầu tư thành lập một Cty nữa, đó là Cty cổ phần vận tải An Lập.

“Vua tàu” tuổi 30 ảnh 2
Nguyễn Đức Phùng

Hiện Cty đã đầu tư  đóng 10 con tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn. Với 50% số vốn, Nguyễn Đức Phùng là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Cty An Lập.

Cty An Lập hiện có 120 cán bộ công nhân viên hoạt động ở Cửa Ông (Quảng Ninh). Phùng cho biết, An Lập nhận hợp đồng vận chuyển than cho Tổng Cty than Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2005, doanh  số của An Lập ngót 100 tỷ đồng.

Phùng cười tươi và bật mí, cũng may, khi Phùng ra chỉ đạo ở An Lập thì toàn bộ điều hành ở Việt Tiến đã có một phó giám đốc nữ trẻ đầy tiềm năng đảm nhiệm.

Người đó là Bùi Thị Thơm (sinh 1978)- một cô gái quê xinh đẹp, nết na đã trở thành “một nửa” của Giám đốc Phùng. Họ cưới nhau năm Phùng 22 tuổi, nay đã có hai cậu con trai, một đang học lớp 5 và một đang học trường mẫu giáo.

Sau khi đã xong Đại học Hàng hải, Phùng đã theo học Quản lý kinh tế. Hiện tại tối tối Phùng cùng vợ vẫn tiếp tục lên thành phố theo lớp đại học buổi tối từ 6giờ30 đến 9giờ30. Phùng phấn đấu đến 2010 thêm một bằng đại học nữa. Tuy làm kinh tế sớm nhưng ngay từ còn đi học Phùng đã tích cực tham gia công tác Đoàn.          

MỚI - NÓNG