Vùng cát đổi thay từ những con đường

Vùng cát đổi thay từ những con đường
Cả chục ngàn người dân bãi ngang vùng biển Quảng Bình mới biết đi xe đạp, xe máy vài ba năm nay, khi ở trên những trảng cát trải dài đến hút mắt ấy có những con đường.

Những con số ấn tượng

Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình - tự hào khi hay tin ngành của ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ông bảo, việc tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho giao thông tuyến biển một cách có hiệu quả được đánh giá cao nhất.

Trong gần 4 năm, dự án giao thông nông thôn 2 (GTNT 2) đã đầu tư gần 110 tỷ đồng, ngoài ra còn huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho lĩnh vực này trên 350 tỷ đồng nữa. Giao thông cho tuyến biển chiếm tỷ lệ gần 30%. Đó là một con số rất ấn tượng ở một tỉnh nghèo.

Quảng Bình có bờ biển dài 126 km. Tiềm năng thế mạnh đã nhìn thấy rất rõ, nhưng làm thế nào để khai thác nó? Một trục đường dài được làm chạy dọc từ cảng Hòn La đến Ngư Thủy gần 100 km. Hàng chục trục đường ngang nối QL1A vươn ra với các xã vùng bãi ngang.

Đường vươn ra đến đâu kinh tế dân sinh đổi thay đến đó... Mới cách đây 3 năm, xã vùng biển Bảo Ninh (thuộc thành phố Đồng Hới) được đầu tư một con đường chạy dọc xã. Lúc đó ở Bảo Ninh nhà 2 tầng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cả xã chỉ có dăm chiếc xe máy phải gửi nhờ bên kia sông Nhật Lệ. Khi con đường chỉ mới lu, lèn, trong một ngày riêng người dân Bảo Ninh đã mua ở các đại lý xe đạp gần 200 chiếc, xe máy gần 50 chiếc. Giờ thì ở Bảo Ninh san sát nhà cao tầng. Một chiếc cầu băng qua sông Nhật Lệ đã đưa Bảo Ninh trở thành nơi phát triển năng động và hiệu quả nhất.

Một Hải Ninh được mệnh danh là làng ”Ô sin”, từ ngày có con đường đã trở nên sầm uất với những mô hình làm ăn táo bạo và sinh động. Sáng, chiều trên con đường này tấp nập người vào ra mua bán và tắm biển. Một làng biển Ngư Hòa (Ngư Thủy) vốn có tiếng “ăn cơm bữa diếp” (nghĩa là 3 ngày mới có một bữa cơm) giờ đổi thay đến kinh ngạc.

Người dân đã có thể chuyên chở hải sản bằng ô tô hay xe máy lên tỉnh xuống huyện chỉ trong chốc lát. Những cửa hàng, dịch vụ, những cơ sở nghề mới đã mọc lên… Bao làng quê vùng biển Quảng Bình đang đổi thay theo những con đường như thế.

Còn nhiều việc phải làm

Hiện giao thông nông thôn Quảng Bình có 64 km đường nhựa,177 km đường bê tông, 132 km đường đá dăm và 1.365 km đường cấp phối. Như thế ô tô đã về được tất cả các xã trong tỉnh. Nhưng để cho KT-XH các vùng sâu vùng xa, vùng biển bãi ngang có sự phát triển ổn định và bền vững thì cần phải cứng hóa hoặc nhựa hóa các tuyến đường hiện đang cấp phối. Chỉ mới nói đến chuyện cứng hóa gần 1.400km kia thôi cũng đủ thấy sự nghiệp GTNT còn rất nặng nề.

MỚI - NÓNG