Wall Street đổ dốc ngày cuối tháng

Wall Street đổ dốc ngày cuối tháng
TPO - Xu hướng tăng điểm của Wall Street trong suốt tháng ba đã kết thúc bằng phiên giảm điểm mạnh ngày cuối cùng trong tháng, nguyên nhân do Nhà Trắng từ chối giải cứu hai hãng xe hơi General Motors và Chrysler.

Các chỉ số lớn đều đã giảm 3% trong ngày đầu tuần, trong đó Dow Jones mất khoảng 254 điểm. Chỉ số ngành ngân hàng đã giảm điểm mạnh do thông tin các ngân hàng sẽ cần thêm vốn để hoạt động trong những tháng tới.

Tất nhiên, nỗi lo sợ các hãng xe hơi Mỹ sụp đổ đã bao trùm lên tâm lý các nhà đầu tư suốt tháng qua, và sự lo lắng đó còn lớn hơn sau thông tin Chủ tịch kiêm CEO của GM ông Rick Wagoner buộc phải ra đi do sức ép của chính quyền. 

Từ cuối tuần qua, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ số công nghiệp Dow giảm 148 điểm, bất chấp đã tăng đầy ngạc nhiên 21% chỉ trong 13 phiên giao dịch trước đó.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch rạng sáng nay tại Mỹ, Dow Jones giảm 254,16 điểm tức 3,3% còn 7.522,02 điểm. Standard & Poor's 500 giảm 28,41 điểm tức 3,5% còn 787,53 điểm, trong khi Nasdaq giảm 43,40 điểm tức 2,8% còn 1.501,80 điểm.

Mặc dù giảm hai ngày liên tiếp, nhưng Dow vẫn tăng 975 điểm tức 14,9% so với mức thấp 6.547,05 điểm ngày 9/3, khi chỉ số kết thúc mức tồi tệ nhất kể từ thagns 4/1997. Tương tự trong khoảng thời gian này, S&P 500 tăng 16,4%.

Sự tăng điểm trong tháng Ba là do những thông tin tốt của nền kinh tế cũng như báo cáo khả quan của các tập đoàn kinh tế. Song vào thời điểm này, các nhà đầu tư lại bắt đầu rút tiền khỏi thị trường do lo sợ về các thông tin thất vọng sắp tới, trong đó chính phủ Mỹ sẽ thông báo tỷ lệ thất nghiệp tháng ba vào thứ sáu này.

Vấn đề mà các hãng xe hơi và các ngân hàng đang đối mặt cũng làm ảnh hưởng tâm lý bán tháo đồng loạt rạng sáng nay của các nhà đầu tư.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã phủ quyết kế hoạch giải cứu dài hạn đối với GM và Chrysler, đồng thời ông cũng tăng khả năng phá sản có kiểm soát của một hoặc cả hai hãng xe hơi khổng lồ nước Mỹ này.

Còn Bộ Trưởng Tài chính Secretary Timothy cũng cho biết dường như các ngân hàng đang cần nhiều vốn hơn. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đã phải chi 12 tỷ USD để lần đầu tiên trong 16 năm phải giải cứu một ngân hàng trong hệ thống tài chính, ngân hàng Caja Castilla-La Mancha.

Các cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu trong đợt tăng điểm mạnh trong tháng Ba lại là khối giảm mạnh nhất trước khi các tập đoàn ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh quý đầu tiên vào tuần tới. 

Bank of America giảm 1,31 USD tức 17,9% còn 6,03 USD. Cổ phiếu Citigroup giảm 31 cent tức 11,8% còn 2,31 USD. Tương tự, cổ phiếu GM giảm 92 cent tức 25,4% còn 2,70 USD. Cổ phiếu Chrysler không giao dịch.

Nỗi sợ của thị trường bắt đầu từ tháng 10/2007 sau khi cả Dow và S&P đểu lên mức cao kỷ lục. Sau đó, các chỉ số đã xuống đáy vào ngày 9/3 vừa qua, sau đó bất ngờ tăng mạnh, và giờ đây trên thị trường lại xuất hiện sự lo lắng đúng vào ngày cuối cùng của tháng Ba. 

Hiện các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp của các lãnh đạo G-20 tại London vào thứ năm tới. Trước cuộc họp này, đã có nhiều quan điểm trái ngược nhau về biện pháp để ổn định thị trường. Trong khi Mỹ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, thì lãnh đạo châu Âu muốn thắt chặt các quy định với hệ thống tài chính toàn cầu.

Còn trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giao tháng 5/2009 đã giảm 3,97 USD tức 7,6% còn 47,99 USD/thùng trên New York Mercantile Exchange .

Tại thị trường châu Âu, FTSE 100 của Anh kết thúc ngày đầu tuần giảm 3,1% còn tại Đức DAX giảm 5% trong khi CAC-40 của Pháp giảm 4,3%. Tại Nhật, Nikkei giảm 4,53%.

MỚI - NÓNG