Wall Street phục hồi nhẹ

Wall Street phục hồi nhẹ
TPO - Bất chấp những thông tin xấu từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng, Wall Street đã có phiên tăng điểm thứ hai. Tuy nhiên, tổng kết tuần, các chỉ số vẫn giảm điểm.
Wall Street phục hồi nhẹ ảnh 1

Ảnh: AP

Thị trường đã đóng cửa cao hơn trong ngày thứ sáu, bất chấp việc ngành công nghiệp ngân hàng liên tiếp thông báo lỗ hàng tỷ USD như Citigroup và Bank of America. 

Kết quả quý bốn, Citigroup báo lỗ 8,29 tỷ USD, trong khi Bank of America lỗ 2,39 tỷ USD. Điều này khẳng định hệ thống ngân hàng thế giới vẫn chưa đi đến thời điểm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng vay thế chấp bắt đầu từ năm 2007.

Mặc dù giảm điểm ngay đầu phiên, nhưng sau đó, thị trường đã phục hồi trước thông tin Bank of America vừa nhận hỗ trợ thêm 20 tỷ USD từ chính phủ Mỹ. Ngân hàng này còn nhận được đảm bảo lên tới 118 tỷ USD thua lỗ từ các khoản vay, chứng khoán và bất động sản do phải mua lại Merrill Lynch & Co. 

Bản thân Citigroup, vốn được xem là trụ cột của hệ thống ngân hàng Mỹ, do bị tác động nặng nề của những tin đồn từ thị trường tín dụng và vay thế chấp, buộc phải đồng ý bán toàn bộ cổ phần chính, bộ phận môi giới cho Morgan Stanley.

Những tin tức không ổn định đã làm cho các nhà đầu tư e dè cổ phiếu ngành tài chính. Các nhà đầu tư đã để ý nhiều hơn tới cổ phiếu tiêu dùng như Wal-Mart Stores, McDonald, Procter & Gamble. Một vài cổ phiếu công nghệ cũng tăng điểm trong đó có Intel và Microsoft. 

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc ngày thứ sáu tăng 68,73 điểm tức 0,84% lên 8.281,22 điểm dù đã giảm 103 điểm ngay khi mở cửa giao dịch. 

Hôm thứ năm, chỉ số này đã có dấu hiệu phục hồi từ việc mất 205 điểm ở đầu phiên giao dịch buổi sáng để tăng 12,35 điểm khi kết thúc giao dịch. Trước khi hồi phục hai phiên gần đây, Dow Jones đã phá đáy 8.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 21/11/2008.

Standard & Poor's 500 tăng 6,38 điểm tức 0,76% lên 850,12 điểm, trong khi Nasdaq tăng 17,49 điểm tức 1,16% lên 1.529,33 điểm. Russell 2000 tăng 3,83 điểm tức 0,83% lên 466,45 điểm.

Việc giảm điểm suốt đầu tuần qua là kết quả của việc các nhà đầu tư bán ra ồ ạt như là phản ứng trước những dữ liệu kinh tế yếu vừa được công bố cuối tuần trước và nỗi lo lắng báo cáo kinh doanh tồi tệ quý bốn của các hãng.

Tính cả tuần, Dow Jones giảm 3,7%, S&P 500 mất 4,5% và Nasdaq trượt 2,7%.

Văn phòng Lao động Mỹ cũng vừa thông báo chỉ số tiêu dùng (CPI) giảm 0,7% trong tháng 12/2008 do giá năng lượng giảm mạnh. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo trên Thomson Reuters sẽ giảm 0,9%. 

Trong khi đó, FED cho biết sản xuất công nghiệp của các nhà máy trên toàn nước Mỹ giảm lớn hơn mong chờ là 2%. Các chuyên gia nhận định chỉ giảm 1%.

Dầu thô giao tháng 3/2009 cũng giảm 97 cent còn 42,57 USD/thùng trên New York Mercantile Exchange. Trong khi, hợp đồng giao tháng 2/2009 hết hạn hôm thứ năm, tăng 1,11 USD lên 36,51 USD/thùng.

USD giảm so với các đồng ngoại tệ mạnh khác, trong khi giá vàng kết thúc tuần tăng nhẹ.

Dạo qua thị trường thế giới ngày cuối tuần cũng có sự tăng điểm nhẹ. Nikkei của Nhật tăng 2,6%. FTSE 100 của Anh tăng 0,9%, DAX của Đức tăng 0,7% trong khi CAC-40 của Pháp tăng 0,7%.

Tổng kết tuần, Dow Jones giảm 317,96 điểm tức 3,70% đóng cửa mức 8.281,22 điểm. Standard & Poor's 500 mất 40,23 điểm tức 4,50% còn 850,12 điểm.  

Nasdaq giảm 42,26 điểm tức 2,70% còn 1.529,33 điểm. Russell 2000 giảm 14,85 điểm tức 3,1% còn 466,45 điểm.

Chỉ số Dow Jones Wilshire 5000 đại diện cho toàn thị trường chứng khoán nước Mỹ kết thúc tuần còn 8.603,21 điểm, giảm 382,59 điểm tức 3,72%. Một năm trước, chỉ số này ở mức 13.308,47 điểm.

Tuấn Đức
Theo AP/Reuters

MỚI - NÓNG