WB lo ngại về Cty cổ phần mua bán điện của EVN

WB lo ngại về Cty cổ phần mua bán điện của EVN
TPO - Quyền GĐ quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, ông Martin Rama vừa gửi thư tới người đứng đầu Bộ Công nghiệp VN, bày tỏ quan ngại về đề xuất lập công ty mua bán điện duy nhất của EVN, dự kiến bắt đầu vận hành vào đầu năm 2009
WB lo ngại về Cty cổ phần mua bán điện của EVN ảnh 1
Nhà máy Thủy điện Sông Hinh. Ảnh : EVN

Trong bức thư của mình, ông Martin Rama, hiện là Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho biết có một số quan ngại đối với đề xuất gần đây của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) về việc phối hợp với một số doanh nghiệp nhà nước khác thành lập Đơn vị mua buôn duy nhất cho ngành điện theo mô hình công ty cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

Theo WB, đơn vị mua buôn duy nhất là đơn vị mua bán tập trung, đóng vai trò đại diện cho Nhà nước, mua điện từ các nhà máy phát điện với tư cách đại diện cho người sử dụng, trong trường hợp này là các công ty phân phối điện và các khách hàng lớn.

WB lo ngại về Cty cổ phần mua bán điện của EVN ảnh 2  Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và hiểu biết của chúng tôi về tình hình của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị nhập Đơn vị mua duy nhất với công ty truyền tải và đơn vị điều hành hệ thống và thị trường.

Một đơn vị như vậy cần phải tách rời và không có quan hệ về mặt sở hữu với các nhà máy phát điện.

Theo chúng tôi, đây là một giải pháp thực tiễn để có thể tránh được những nguy cơ mà tôi đã trình bày ở trên và đáp ứng được những yêu cầu của lộ trình.WB lo ngại về Cty cổ phần mua bán điện của EVN ảnh 3

Martin Rama - Quyền GĐ quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN.

Mô hình Đơn vị mua buôn duy nhất được lựa chọn cho Việt Nam vì các công ty phân phối điện chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể giao dịch với thị trường bán buôn trong giai đoạn đầu của việc phát triển thị trường điện.

Đơn vị mua buôn duy nhất cũng được trông đợi sẽ tạo ra sự tin cậy đối với các nhà máy điện vì họ sẽ được thanh toán cho sản lượng điện đã cung cấp cho những người mua điện, mà theo đánh giá của các nhà cung cấp điện là có thể chưa thực sự đáng tin cậy.

Đây là mô hình của giai đoạn chuyển giao, giai đoạn này dự kiến kéo dài nhiều nhất là 8 năm, từ năm 2009 đến năm 2017, trước khi giai đoạn bán buôn cạnh tranh hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường. 

Tuy nhiên, theo ông Rama, có hai lý do để tin rằng việc lập một đơn vị mua buôn duy nhất hoạt động vì lợi nhuận do các công ty có sở hữu hoặc điều hành các nhà máy phát điện là điều không nên. 

Điều này là do việc lập đơn vị mua buôn duy nhất sẽ tạo một sự xung đột lớn về quyền lợi. Các công ty này sẽ có quyền lợi qua việc bán điện do sở hữu nguồn điện và cả khi mua điện do việc sở hữu đơn vị mua buôn duy nhất.

Hậu quả thứ nhất của sự xung đột về quyền lợi này là làm nản lòng những ai muốn đầu tư mới cho nguồn điện ở Việt Nam, vì các nhà đầu  tư này cho rằng đơn vị mua buôn duy nhất sẽ có những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà máy điện của chính các công ty sở hữu đơn vị này. 

"Nếu như một công ty cứ quyết định đầu tư vào nguồn điện, đa phần họ sẽ yêu cầu phải có một hợp đồng mua bán điện dài hạn để làm giảm ảnh hưởng của xung đột về quyền lợi"- Ông Rama cho biết.

Hậu quả thứ hai  là một nhà máy phát điện hiện hành không do Đơn vị mua buôn duy nhất sở hữu có nguy cơ chịu rủi ro phân biệt đối xử với những ưu đãi đặc biệt có thể được dành cho các nhà máy điện do đơn vị này sở hữu.

Hậu quả thứ ba của việc xung đột về quyền lợi là chủ sở hữu các đơn vị mua buôn duy nhất có thể thông đồng trong việc đấu thầu cung cấp nguồn điện mới, đặc biệt trong trường hợp các nhà đầu tư tiềm năng khác không tham gia đấu thầu.

"Chúng tôi tin rằng hậu quả của việc xung đột về quyền lợi sẽ dẫn đến giá điện cho người tiêu dùng cao hơn, và làm thất bại công cuộc huy động nguồn vốn rất cần thiết cho ngành điện"- Ông Rama cảnh báo.

Cũng theo ông Martin Rama, một lý do nữa để xem xét lại đề xuất của EVN đó là việc lập đơn vị mua buôn duy nhất chắc chắn sẽ dẫn đến trùng lặp một vài chức năng như phối hợp điều độ, dẫn đến việc tăng chi phí.  Trong khi đó, đơn vị mua buôn duy nhất cần phải tìm biện pháp giảm thiểu chi phí.

Bên cạnh đó, trong việc kiếm lợi nhuận cho chủ đầu tư, đơn vị mua buôn duy nhất sẽ chuyển những chi phí phát sinh sang khách hàng và sẽ có những động cơ thúc đẩy để tăng tối đa lợi khiến chi phí lại càng tăng cao và khả năng giảm giá điện cho khách hàng sẽ không trở thành hiện thực.

Cũng theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB, kinh nghiệm quốc tế cho thấy phương thức đó không thành công. Điều tiết là sự thay thế tồi cho một đơn vị mua duy nhất được thiết kế, có cấu trúc và cơ  chế sở hữu phù hợp. Động cơ của đơn vị mua duy nhất hoạt động vì lợi nhuận sẽ không thay đổi, và đơn vị này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lợi nhuận bất cứ khi nào có thể.

Đại diện WB cũng gửi kèm một báo cáo của WB về kinh nghiệm quốc tế đối với đơn vị mua duy nhất. Báo cáo này đề cập đến những bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về vấn đề này.

Theo thông tin cũng được công bố thì WB đang chuẩn bị một báo cáo ngắn đề cập một cách cụ thể hơn về những vấn đề đã nêu trong đề xuất của EVN và hy vọng sẽ cung cấp báo cáo này cho Việt Nam trong vòng vài tuần tới.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.