William Wang và Vizio - khủng hoảng là cơ hội

William Wang và Vizio - khủng hoảng là cơ hội
TP - Bạn thử đoán nhanh tên của ba công ty hàng đầu trong ngành sản xuất vô tuyến màn hình phẳng trên thị trường Mỹ xem sao? Sony, Samsung? Chính xác. Thế còn vị trí thứ ba? Sharp? Phillips? Panasonic? Sai hết!
William Wang và Vizio - khủng hoảng là cơ hội ảnh 1
William Wang

Trong vòng hai năm trở lại đây chỗ đứng hết sức vinh dự này thuộc về công ty Vizio của Mỹ. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, William Wang đã tạo dựng nên cả một hệ thống tiêu thụ vô tuyến, bán chạy như tôm tươi trong các siêu thị Mỹ.

Những chiếc vô tuyến của Wang chinh phục thị trường Mỹ trước hết bởi giá rẻ (chỉ chừng 1.500 đô la) là bạn có thể sắm cho mình một chiếc ti vi tinh thể lỏng 50 inch. Không chỉ thế, sản phẩm của Vizio còn có chất lượng cao và dịch vụ bảo hành rất chu đáo.

Với vốn đầu tư ban đầu chỉ có 600.000 đô la, nhờ có bí quyết tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh, đi đôi với chiến dịch quảng cáo đầy hiệu quả, William Wang đã dần đạt tới mức doanh thu 2 tỷ đô la, vượt mặt những đối thủ cạnh tranh đầy máu mặt của Nhật, Hàn Quốc và Mỹ.

Bố mẹ William Wang chuyển đến California khi cậu bé William 14 tuổi. Lúc ấy cậu còn chẳng có tí tiếng Anh nào làm vốn giắt lưng. Nhưng lòng kiên trì và trí tiến thủ đã giúp William thi đậu vào trường đại học tổng hợp Nam California. Hồi đầu William định trở thành kiến trúc sư, nhưng rồi đổi ý vì nghĩ rằng khó mà làm giàu được bằng nghề đó. Wang xin vào ngành kỹ sư.

Cho tới một ngày, Wang quyết định vay sếp của mình một khoản tiền là 150.000 đô la. Chưa đủ, anh thuyết phục một nhà đầu tư Trung Quốc góp thêm 150.000 đô la nữa, bố mẹ Wang cũng ra tay giúp cậu con trai ít vốn, và gom hết lại anh có được khoản đầu tư ban đầu cho công ty mang tên MAG Innnovision, chuyên sản xuất màn hình máy tính cá nhân.

Vào đầu những năm 90, công ty MAG, lúc đó chẳng ai biết tới, đột ngột xuất hiện trên thị trường và bất ngờ tăng tốc. Từ đội ngũ nhân viên vẻn vẹn có ba người, tới năm 1996 Wang đã là lãnh đạo của một đội quân hùng hậu hơn 400 chuyên gia, và doanh thu mỗi năm của MAG Innovasion đạt tới 600 triệu đô la.

Phải nói là Wang gặp thời, đúng vào những năm đó màn hình máy tính bán rất chạy. Có nhu cầu mạnh mẽ của thị trường, Wang đi thêm một bước đúng đắn nữa: mở nhà máy sản xuất ở Đông Nam Á để tối ưu giá thành.

Hai yếu tố này góp phần làm nên thành công của MAG Innovasion. Tới năm 1998, Wang bán lại thương hiệu cùng cả công ty cho một nhà sản xuất trước kia từng thực hiện các đơn đặt hàng của anh.

William Wang chuyển sang mở công ty Priceton Graphic Systems, đồng thời thành lập chi nhánh nghiên cứu tại châu Á để tập trung vào sản xuất các mặt hàng chuyên dụng cho một số ngành hẹp như màn hình có độ phân giải cao cho các máy đếm tiền, thiết bị xem TV qua mạng...

Tuy vậy Wang nhận thấy rằng thị trường đang quá tải và những dự án của anh không có cơ thành công. Đúng vào thời điểm khó khăn đó, Wang lại đối mặt với tử thần trong vụ tai nạn máy bay.

Wang quyết định đóng cửa công ty để suy nghĩ xem nên làm gì trong tương lai.

William Wang bắt tay lại từ đầu. Để góp cho đủ vốn để thành lập Vizio (600.000 đô la), anh phải cầm cố nhà và vay thêm bố mẹ và bạn bè. Wang lục lại các mối quan hệ cũ từ thời MAG và thuyết phục được

Costco, một công ty có hệ thống bán lẻ, tiêu thụ vô tuyến Vizio 46 inch với giá 3.800 đô la Mỹ, tức rẻ bằng nửa một chiếc ti vi tương tự của Sony. “Chúng tôi sẽ trở thành một Sony mới trong vòng 5 năm tới”- đó là những lời William Wang tuyên bố với ban lãnh đạo Costco. Lúc đầu mọi người chỉ nghi ngờ mỉm cười, nhưng rồi kết quả thật bất ngờ.

Tháng 2, sản phẩm của Vizio bán trong 10 cửa hàng của hệ thống, thế mà chỉ một tháng sau, vô tuyến màn hình phẳng do Wang sản xuất đã có mặt trong 320 điểm bán khác nhau của Costco. Khách hàng chọn vô tuyến Vizio, bởi chất lượng chẳng kém gì Sony, mà giá cả lại rất vừa túi tiền.

Vì đâu Wang có được giá quyến rũ như thế? Bí quyết là bởi vì anh đã hợp tác với AmTran Technology, một công ty của Đài Loan đã nhiều năm chuyên cung cấp màn hình máy tính và ti vi cho Sharp và Sony với tư cách là nhà thiết kế gốc (ODM- Original Design Manufacturer).

AmTran có 23% cổ phần vốn trong Vizio, đổi lại William Wang có được đảm bảo có hàng với giá ưu đãi và sự kiểm tra chất lượng hết sức sát sao.

Tiếp sau Costco là những hệ thống bán lẻ khác bắt đầu đề nghị được hợp tác với Vizio, như Sam’s Club và Wholesale Club. Tới năm 2006, lượng sản phẩm bán ra tăng gấp 5 lần, cụ thể là 700.000 màn hình mỗi năm.

60% các linh kiện của Vizio được sản xuất tại Trung Quốc, 40% còn lại là sản phẩm có nguồn gốc Đài Loan. Hiện nay Wang đang dần dần chuyển nhà máy về Mexico, vì giữa Mỹ và Mexico có thỏa thuận miễn thuế cho hàng nhập khẩu.

Quản lý sản xuất của Vizio luôn được hoàn thiện. Ví dụ chi phí gián tiếp của công ty chỉ là 0.7%, trong khi đó con số này thường ở mức 10% hoặc thậm chí cao hơn đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Người ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết tới cái tên Vizio, nếu cuộc đời của Wang không rẽ ngoặt sang hướng khác sau một vụ chết hụt. Năm 2000, Wang là một trong số 96 hành khách sống sót sau tai nạn máy bay của hãng Singapore Airlines.

Chiếc phi cơ chạy chệch khỏi đường băng khi cất cánh và lao vào khu công trường xây dựng cạnh đó. 83 người xấu số đã bỏ mạng. Đối với Wang, đây là một cú sốc không thể quên, và sự kiện này làm thay đổi cách suy nghĩ của nhà doanh nghiệp này.

Anh hiểu ra một điều rằng: Cho dù công việc làm ăn có bận bịu tới đâu, cũng phải nhớ rằng cần hưởng thụ từng phút giây của cuộc sống, bởi chính cuộc sống mới là giá trị quý báu nhất trong đời người.

Sau ba năm nghỉ ngơi và suy ngẫm, William Wang bắt tay vào một dự án hoàn toàn mới: tổ chức sản xuất ti vi màn hình phẳng. Và Vizio ra đời như thế.

MỚI - NÓNG