WTO từ câu chuyện của người Thái

WTO từ câu chuyện của người Thái
TP - Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một thời cơ lớn để  mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng cũng là một thách thức không nhỏ mà chúng ta phải đối đầu...

Lâu nay chúng ta đã ý thức được điều này và đã có nhiều chuyển biến, nhưng sự chuyển biến đó chưa đáng kể.  Gần đây, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng như Tổ chức Tài chính Quốc tế (AFC) thì chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2006 của nước ta đã tụt xuống 3 bậc so với năm 2005 (đứng ở vị trí 77/125 quốc gia).

Về môi trường kinh doanh nước ta bị tụt 6 bậc so với năm 2005, xếp hạng 104/175 nền kinh tế thế giới.  Đây là điều đáng buồn khi chúng ta không còn đứng trước thềm của WTO mà đã đứng trước cửa WTO!

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Theo giải trình của Bộ KH&ĐT, do các quốc gia khác có tốc độ gia tăng cao hơn mình, năm 2006 World Bank đã bổ sung thêm 20 quốc gia nữa vào danh mục xếp hạng... đó là những nguyên nhân khách quan.

Còn nguyên nhân chủ quan  đó là vừa qua chúng ta chưa xây dựng được một chiến lược cạnh tranh ở cả 3 cấp độ (cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh quốc gia), nhất là thiếu một chiến lược và một cơ chế đặc biệt để đầu tư phát triển vào các ngành, các sản phẩm mà đất nước ta có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh.

Nguyên Thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin ngay từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước đã bỏ ra cả triệu USD để thuê nhà kinh tế học người Mỹ, người đoạt giải Nobel về kinh tế đương đại để nghiên cứu và chỉ ra 5-7 sản phẩm của Thái Lan có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Trên cơ sở đó ông đã cùng Chính phủ Thái Lan có những cơ chế đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư ngay vào những sản phẩm này và đã thành công trong thời gian rất ngắn.  Điều này đã góp phần làm cho Thái Lan nhanh chóng vượt qua được khủng hoảng tài chính.

Còn nước ta, các bộ, các ngành cũng chỉ mới đưa ra một danh mục với nhiều sản phẩm có tính gợi ý về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh và rải mành mành trên nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, mà chưa chỉ ra được những sản phẩm nào, ngành nào có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới và những sản phẩm nào có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Còn các địa phương và các doanh nghiệp thì đua nhau làm, bất chấp địa phương, doanh nghiệp mình có lợi thế so sánh để sản xuất kinh doanh sản phẩm đó hay không.

Kết cục thì như chúng ta đã biết, nhiều sản phẩm của chúng ta đã đổ bể và hiệu quả của nền kinh tế không chỉ thấp, mà thậm chí còn gây những hậu quả xấu về kinh tế và xã hội.

Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo ngay các ngành, các cấp, kể cả thuê chuyên gia nước ngoài  nghiên cứu một cách khoa học để chỉ ra sản phẩm nào của chúng ta có lợi thế, cạnh tranh trên thị trường thế giới, sản phẩm nào có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Tới đây thị trường nội địa chỉ không còn là sân riêng của chúng ta nữa, nếu không đủ sức cạnh tranh sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm mất. Đồng thời, nên sớm xem xét, bổ sung và đưa ra những cơ chế chính sách đặc biệt để khuyến khích, kể cả quản lý đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh những sản phẩm này.

Đây là việc cần phải làm ngay bởi việc xác định sản phẩm có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh chính là định hướng để cho các địa phương, các doanh nghiệp tính toán đầu tư và tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

MỚI - NÓNG