Xác minh xuất xứ hàng hóa: Doanh nghiệp bất hợp tác, hải quan lúng túng?

Ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết nhiều doanh nghiệp bất hợp tác khi bị kiểm tra xuất xứ hàng hóa
Ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết nhiều doanh nghiệp bất hợp tác khi bị kiểm tra xuất xứ hàng hóa
TP - Ngành Hải quan mới đây đã đưa ra ví dụ điển hình về việc chống đối, bất hợp tác của doanh nghiệp khi xác minh các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Còn đại diện VCCI thì cho rằng, đang có khoảng trống pháp lý trong quy định “Made in Vietnam” . 

Doanh nghiệp bất hợp tác

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan- TCHQ) mới đây đã chia sẻ khó khăn trong công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu năm 2019. 

Theo ông Lộc, qua thu thập, phân tích thông tin, Hải quan thấy nổi lên một số doanh nghiệp (DN) có kim ngạch XK vào thị trường Mỹ tăng đột biến, trong đó có 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Từ đó, TCHQ đã lập danh sách các DN có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để kiểm tra. Cục Kiểm tra sau thông quan đã trực tiếp kiểm tra 9 DN và chỉ đạo 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 DN khác. Qua đó, Hải quan phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 DN (3 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 DN lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ (giá, kệ bếp). 

Trong đó, một vụ việc cụ thể đã có kết quả kiểm tra là trường hợp Cty TNHH xe đạp Excel. Qua kiểm tra, Hải quan phát hiện DN trên nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó XK từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế NK ưu đãi do chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Đối chiếu quy định pháp luật, DN đã thừa nhận hành vi vi phạm. TCHQ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền và tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, các bán thành phẩm và các linh kiện chưa XK đang lưu trong kho của DN.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, trong quá trình kiểm tra, Hải quan còn phát hiện DN trên đã thực hiện các thủ tục gian dối để được cơ quan có thẩm quyền (VCCI chi nhánh TP.HCM) cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B).

Dịp cuối năm và đầu năm 2020, theo ông Lộc, TCHQ sẽ mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng: Pin năng lượng mặt trời, đèn LED,…

Nhiều khoảng trống pháp lý

Ngày 28/10, Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh những nghi vấn sai phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan. Theo Tổng cục Hải quan, Asanzo đã có nhiều dấu hiệu vi phạm như lừa dối người tiêu dùng, giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về xuất xứ hàng hóa, trốn thuế.

Mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiến nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh vai trò đầu mối, trình Chính phủ Nghị định về xuất xứ “Made in Vietnam” cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam.

Ông Lộc nói: Hiện nay, chúng ta đang có khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này, điều này làm cho các DN sản xuất, kinh doanh lúng túng, không yên tâm. Chính vì nguyên nhân này, muốn xử lý một DN như Asanzo cũng rất khó, bởi vì nhà nước chưa có quy định gì về sản xuất “Made in Vietnam”. “Không có quy định thì nhà nước không thể buộc tội DN  được”, ông Lộc nêu.

"Vấn đề của Asanzo là chuyện của nhiều DN Việt Nam hiện nay. Việc xử lý một cách không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt DN Việt Nam và tạo điều kiện hưởng lợi cho DN của các nước khác, các nền kinh tế xung quanh", ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng khẳng định, việc sẽ thống nhất với Bộ Công Thương về vấn đề này, phối hợp với các bộ ngành rà soát, sớm ra Nghị định để định hướng cho DN Việt Nam ổn định làm ăn kinh doanh.

Từ giữa năm 2018 đến nay xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, ngành Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu (XK) hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU.

MỚI - NÓNG