Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang phổ biến

Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang phổ biến
TPO - Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang trở thành hiện tượng phổ biến.

>> Cần khẩn trương có Luật Bảo vệ người tiêu dùng
>> Khởi kiện DN nước tương đòi bồi thường 30 tỷ đồng

Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang phổ biến ảnh 1

Hàng nghìn chai nước tương chứa chất 3 MCPD gây ung thư vẫn chờ tiêu hủy. Ảnh : TP

Ông Phan cho biết số vụ khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến hội trong thời gian gần đây tăng rất nhanh. Trong năm 2006, Hội đã nhận được tổng cộng gần 1.000 khiếu nại của người tiêu dùng.

“Con số này chưa phản ánh hết quy mô, mức độ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa bị xâm phạm quyền lợi đang dần trở thành “hiện tượng phổ biến”- Ông Phan cho biết.

Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nội dung chính của chương trình tọa đàm "Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng: thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tổ chức phát triển quốc tế Canada tổ chức trong hai ngày 14-15/8, tại Hà Nội.

Cũng theo ông Phan, các vụ khiếu nại mà Hội tiếp nhận vẫn chưa phản ánh hết quy mô, mức độ vi phạm quyền người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc nhận thức còn hạn chế của người tiêu dùng, tâm lý e ngại theo đuổi các vụ khiếu kiện vì những vụ việc ấy thường mất thời gian và nhiều khi cũng không biết được mức độ thành công đến đâu cũng là nguyên nhân chính của nhiều vụ người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi mà không biết kêu ai.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chưa hiệu quả

Trao đổi với Tiền phong, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cũng thừa nhận các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa mạnh tay trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong một số trường hợp các cơ quan chức năng còn tỏ ra lúng túng trong việc xử phạt dù chế tài đã có quy định.

Theo bà Loan, việc này là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau chưa khớp dù các các quy định trong luật đã có.

“Quả thật cũng phải thừa nhận rằng từ trước đến nay việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Vẫn còn khoảng cách xa từ văn bản đến thực tiễn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở Việt Nam trong một số trường hợp do thiếu kiến thức nên đã tự đánh mất đi quyền được bảo vệ của mình”- Bà Loan nói.

Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cũng cho rằng do vấn đề người tiêu dùng vẫn còn khá mới ở nước ta trong khi cơ sở pháp lý cũng như tổ chức cho việc bảo vệ người tiêu dùng còn chưa hoàn chỉnh nên việc hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho bảo vệ người tiêu dùng cần phải làm ngay.

Cũng theo bà Loan, thời gian qua, các vụ khởi kiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam còn ít. Điều đó không có nghĩa số vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng là ít. Trên thực tế đã có những vụ việc doanh nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở quy mô rất lớn nhưng hầu như không có người tiêu dùng nào đứng ra thực hiện quyền khởi kiện.

Bà Loan cũng cho biết thời gian tới Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo trên website của Cục về những vấn đề mà người tiêu dùng ở Việt Nam có thể gặp phải cũng như cách giải quyết, hướng dẫn khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại.

Trước mắt hệ thống cảnh báo này đưa ra những thông tin cảnh báo về những mặt hàng có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các trình tự khiếu kiện khi quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm, những kiến thức chuyên môm về tiêu dùng, kỹ năng tiêu dùng và cả những thủ đoạn gian lận trên thị trường như gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

“Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng trên tinh thần cung cấp các thông tin chính xác để không gây ảnh hưởng hay mất công bằng đối với nhà sản xuất. Đây cũng sẽ là kênh tham khảo cho người tiêu dùng khi cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng”- Bà Loan cho biết.

Một số vụ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đáng chú ý:

- Rau nhiễm kim loại nặng trồng ở các vùng ven đô ở ngoại thành Hà Nội, TP.HCM và một số nơi khác do được tưới bằng nguồn nước ô nhiễm; các loại rau vẫn còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng vẫn được đưa ra thị trường để lưu thông.

- Thực phẩm chứa các hóa chất bảo quản độc hại như: Phở, bún chứa phoóc môn, giò chả có sử dụng hàn the, hải sản bảo quản bằng đạm..

- Vụ xăng chứa chất acetôn làm hỏng các loại xe máy

- Vụ nước tương chứa chất 3 MCPD có khả năng gây ung thư

- Vụ sữa bột pha nước được gắn nhãn mác là sữa tươi nguyên chất gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.