Xăng dầu giảm kỷ lục, cước vận tải đứng yên

Giá xăng dầu giảm mạnh là tín hiệu vui với hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước. Ảnh: Như Ý
Giá xăng dầu giảm mạnh là tín hiệu vui với hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước. Ảnh: Như Ý
TP - Giá xăng dầu giảm sâu nhất trong vòng nhiều năm qua nhưng điều vô lý là cước vận tải vẫn dậm chân tại chỗ, dẫn tới giá nhiều loại hàng hoá khác đứng yên. Chuyên gia kinh tế đề nghị, nhân cơ hội này nên xóa bỏ hẳn điều hành giá xăng, dầu để thị trường điều tiết.

Bộ giao thông vào cuộc

Giá xăng giảm mức kỷ lục lần thứ 12 kể từ đầu năm tiếp tục nhen nhóm hy vọng tác động lan tỏa đến thị trường. Tuy nhiên, trong ngày 23/12, các DN vận tải được hỏi đều cho biết chưa thể giảm. Để giải quyết tình hình này, chiều 23/12, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có công điện gửi UBND các tỉnh đề nghị phối hợp kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. 

Theo Bộ GTVT, nếu giá cước vận tải giảm, đặc biệt trong giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2015 sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của khách hàng, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác. Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc kiểm tra kê khai giá cước sẽ làm rõ thành phần chi phí hình thành nên cước vận tải. Nếu DN kê khai giá nhiên liệu đầu vào cao nhằm không hạ giá cước sẽ bị xử lý, truy thu thuế; qua đó gián tiếp giảm giá cước. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, giá cước vận tải đã vận hành theo cơ chế thị trường nên động thái của Bộ GTVT chỉ mang tính chất “động viên”. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, sẽ không nhanh vì ngay cả những DN taxi lớn nhất như Mai Linh, Taxi Group hay Thanh Nga vừa qua đều không giảm đáng kể.

“Thế giới thay đổi quá nhanh, quá nhiều. Ai ngờ được giá dầu lại như thế này. Giá dầu là một trong những biểu hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Nước ta đang dựa vào dầu tương đối dù không nhiều như trước”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Tọa đàm “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” ngày 23/12

Trong đợt giảm giá ngày 22/12 vừa qua có điểm đáng chú ý là giá xăng giảm 2.050 đồng/lít nhưng dầu diezel chỉ giảm 1.420 đồng/lít. Theo ông Thanh, dầu được dùng cho xe tải, xe khách, thuyền đánh cá và các máy móc trong sản xuất công nghiệp nên giá dầu giảm có tác động lớn hơn đến nền kinh tế.

Trước đó, mức trần giá vé hàng không đã giảm 5 nghìn đồng/km xuống còn 4.250 đồng/km theo đề xuất của Bộ GTVT.

Không giảm là vô lý

Do cước vận tải không giảm nên dẫn tới giá cả các hàng hóa khác vẫn đứng yên. Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trưa ngày 23/12, giá các mặt hàng lương thực chưa có sự thay đổi. Chị Bích Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cho biết: “Hiện, giá thịt lợn đang ở mức thấp nên có giảm cũng phải 3 - 4 hôm nữa, song mức giảm không nhiều”.

Xăng dầu giảm kỷ lục, cước vận tải đứng yên ảnh 1

Giá xăng giảm kỷ lục tới 2.050 đồng mỗi lít xuống còn 17.880 đồng/lít vào ngày 22/12. Ảnh: Như Ý

Tại nhiều siêu thị, thay vì giảm giá trực tiếp đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại giờ vàng. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Việc giá các mặt hàng thiết yếu không giảm nhiều dù giá xăng giảm liên tiếp 12 lần là vô lý. Kết quả kiểm tra giá của các cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa công bố được gì. Tất cả đã tạo ra một sức ì kinh khủng của giá cả tiêu dùng”. 


Ông Phú phân tích, thực tế, giá cả hàng hóa trên thị trường cao, nhưng “gốc” của hàng hóa là nơi sản xuất thì giá lại bèo. “Giá trứng bán tại các siêu thị hiện nay vẫn ở mức 4.000-5.000 đồng/quả, không xuống, trong khi nơi sản xuất ra nông dân chỉ bán được với giá 1.000-2.000 đồng/quả. 

Cà chua bán tại gốc chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí đổ đi, nhưng tại các chợ giá lên tới 12.000-15.000 đồng/kg. Vấn đề cốt yếu là do khâu phân phối, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng còn nhiều bất cập.

Cơ hội tái cơ cấu

GS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, giá dầu thô sẽ tiếp tục còn xuống nữa. Bàn về cách điều hành thế nào cho hợp lý, GS Quang Thái khẳng định, chỉ có một cách thả giá cả cho thị trường điều tiết. “Giá xăng dầu giảm sâu như hiện tại là cơ hội cực kỳ quan trọng để cơ chế thị trường quyết định”, GS Quang Thái nói. 

Giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh trong mấy tháng qua. Cụ thể, dầu thô Brent Biển Bắc đã giảm còn quanh mức 60 USD/thùng, trong khi dầu phiến đá Mỹ (WTI) chỉ giao dịch quanh 55 USD/thùng. 

Tính ra, giá dầu thô đã giảm gần 50% so với mức 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014. Rõ ràng, sự sụt giảm giá dầu thô đã ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế trên toàn thế giới. Nhiều nước xem đó là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

“Sự thay đổi công nghệ khai thác dầu trong vài năm đã đi vào ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi cả thế giới”, GS Quang Thái nhận định.


MỚI - NÓNG