Xăng dầu ồ ạt qua biên giới

Xăng dầu ồ ạt qua biên giới
Do giá xăng tại VN thấp hơn Campuchia khoảng 3.000 đồng/lít nên một lượng rất lớn xăng dầu đang được xuất lậu qua Campuchia. Trong khi đó, người dân vùng biên giới lại thiếu nhiên liệu khi bước vào mùa vụ sản xuất mới.
Xăng dầu ồ ạt qua biên giới ảnh 1
Vận chuyển xăng dầu qua Prekchray, Kohthom, Kan Dal (Campuchia) - Ảnh: Đ.V.

Tại Tịnh Biên (An Giang) vào những ngày này chúng tôi chứng kiến các cây xăng trên bờ, dưới kênh Vĩnh Tế đều có đông dân buôn người địa phương, dân buôn Campuchia đến mua gom. Từng đống can nhựa loại 30 lít được chuyển xuống những chiếc tắc ráng chuyên dụng rồi lần lượt đổ qua Thum Đưng (Kirivong, Ta Keo, Campuchia).

Cây xăng VN bán cho người... Campuchia

Một người dân bên bờ kênh Vĩnh Tế chỉ đoàn xe ba gác đang chở đầy lúa cho biết vào thời điểm này, lúa Campuchia nhập vào tấp nập, đoàn ghe, xe ba gác "siêu trọng" khi quay về mỗi chiếc vẫn thường "ôm" theo vài chục can xăng dầu. "Bên Campuchia giá xăng là 1 USD/lít, dầu cũng gần xấp xỉ nên mua về kiếm lời" - một lái xe ba gác nói.

Tại thị trấn Long Bình, An Phú (An Giang), chỉ một đoạn sông biên giới dài chừng 2km nhưng có đến hơn chục sà lan, cửa hàng xăng dầu nằm dọc đoạn sông.

Hàng đống can nhựa bơm đầy xăng dầu chất sẵn dọc bến sông, sau đó chuyển lên ghe vượt sông sang Prekchray, Kohthom. Dân buôn còn đi mua gom từ các cây xăng nằm sâu trong nội địa đưa ngược lên biên giới để xuất lậu. Sớm chiều xe máy thồ, ba gác lủ khủ can nhựa ghé vào các cây xăng dọc tỉnh lộ 956 mua hàng.

Ông Lê Văn Cư, một nông dân ở Quốc Thái, xách can mua 20 lít dầu để tưới rẫy mà cửa hàng chẳng chịu bán. Mấy tay buôn lậu "bật mí”: "Tụi này là... mối làm ăn lâu nay, mua giá cao hơn nên cần bao nhiêu cũng có!".

Trên sông Sở Thượng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), tắc ráng chở xăng dầu liên tục ngược sông lên phía Prey Veng. Cả những ghe buôn chuyến qua Campuchia khi khởi hành cũng không quên ghé vào các bè xăng ở Thường Lạc và thị trấn Hồng Ngự (Đồng Tháp) "ôm" thêm hàng chục can dầu. "Dầu DO bên ấy đang hút, có mối dặn" - bà Nguyễn Thị Thảnh, chủ ghe buôn hàng lên Niec Leuong, nói.

Trong khi đó, mấy nông dân đến mua chỉ được bán nhỏ giọt mỗi người được dăm lít. "Mua dầu chạy xuồng, rút nước cho kịp xuống giống mà chỉ bán lắt nhắt kiểu này" - ông Ngô Văn Tiến, ở Tân Hội, than thở.

Còn ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) vào ngày 5/12, các cửa hàng xăng dầu cũng tấp nập xe Honda 67 cải tiến vào "ăn" hàng. Hỏi chuyện một người dân tên Thành ở xã biên giới Mỹ Đức, anh cho biết những người kia là dân chở xăng dầu thuê cho các đầu nậu ở bên kia biên giới, mỗi chuyến (ba can loại 20 lít) họ được đầu nậu trả thù lao 40.000-50.000 đồng. "Bây giờ cư dân chuyên đai hàng lậu thuốc lá đã bỏ nghề, chuyển sang buôn xăng dầu sống khỏe hơn" - anh Thành nói.

Những điểm nóng

Xăng dầu ồ ạt qua biên giới ảnh 2

Dân buôn mua gom hàng từ các cửa hàng xăng dầu tại An Phú, An Giang -Ảnh: Đ.V.

Ông Trần Minh Tiến - chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - cho hay hai bên cánh gà, khu vực đường Xuồng, đường Chùa là các điểm nóng mà dân vận chuyển xăng dầu chảy qua biên giới.

"Nóng nhất là ở bến đường Xuồng - nơi có con sông chia cắt ranh giới hai tỉnh Kiên Giang và Kampot (Campuchia), dân buôn lậu tập kết xuồng sẵn tại bến chờ giới xe thồ chở hàng tới và nhanh chóng đưa xuống ghe. Lực lượng chống buôn lậu tới nơi, họ thản nhiên xô ghe qua phía bên kia biên giới mà lực lượng hải quan không thể xử lý được" - ông Tiến cho biết thêm.

Nóng nhất hiện nay là dọc quốc lộ N1, Kiên Lương (Kiên Giang), ban ngày ở nhiều cây xăng không hề thấy bóng người đứng bán, một số còn trùm kín trụ bơm. Ông Nguyễn Văn Na - ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh - mua dầu bơm nước ruộng không được đành xách can về không, thở dài: "Họ chỉ bán lúc chiều tối, chủ yếu cho dân buôn sang Campuchia".

Từ 16 giờ, cảnh mua bán ở các cây xăng tại đây trở nên sôi động. Dưới bến sông tấp nập ghe, vỏ lãi neo đậu; trên bờ các trụ bơm liên tục rót không ngơi tay. Xe gắn máy, xe đạp thồ lủ khủ can nhựa dập dìu đổ xô đến. Hàng hối hả chuyển xuống ghe, chất lên xe lần lượt lao đi, cứ thế...

Ghe tàu theo ngả kênh cặp chợ Đầm Chích băng đồng, còn đoàn xe gắn máy thồ ngược lên phía chợ Giang Thành tập kết ở một bến sông thuộc ấp Hòa Khánh rồi cùng đổ qua Ton Hol (Kampot). Xăng dầu vượt biên thâu đêm...

"Gần đây các đầu mối bên Campuchia đã chuyển hướng buôn xăng dầu qua ngả Giang Thành. Bên này "kín" hơn, dễ đi số lượng nhiều! Chịu mua giá cao hơn thì cần bao nhiêu cũng có” - một tay buôn hàng cho biết. Xe bồn, sà lan chở xăng dầu từ Kiên Lương, Rạch Giá thường xuyên đổ về đây rót hàng. Người dân địa phương ước tính mỗi ngày lượng xăng dầu chảy qua ngả này không hề dưới 600 can loại 30 lít.

Bó tay với xăng dầu lậu

Chưa kể tuyến biên giới đường biển rộng lớn với hàng trăm con tàu ngụy trang đi đánh bắt thủy sản đang vận chuyển xăng dầu từ Kiên Giang ồ ạt xuất lậu, riêng trên bộ tuyến biên giới An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang có cả trăm cửa hàng, điểm bán xăng dầu ở khu vực biên giới, nhiều sà lan kinh doanh xăng dầu neo đậu cách đường biên chỉ một vài chục mét.

Giá xăng dầu Campuchia lên theo giá thị trường thế giới và cao hơn tại VN khoảng 3.000 đồng/lít khiến xăng dầu tăng tốc vượt biên.

Trong khi đó, lực lượng chức năng lại quá thụ động trong ngăn chặn. Từ đầu năm đến nay, tại An Giang các đơn vị chống buôn lậu bắt giữ gần 30.000 lít xăng dầu các loại, tại Kiên Giang và Đồng Tháp bắt giữ trên 5.000 lít - con số quá nhỏ giữa dòng chảy xăng dầu xuất lậu.

Ông Trần Minh Tiến thừa nhận con số 1.200 lít xăng dầu mà lực lượng hải quan cửa khẩu bắt được từ đầu năm đến nay chỉ là phần nổi của tảng băng.

"Chúng tôi chưa thể kiểm soát được tình trạng xuất lậu xăng dầu tại các điểm nóng ở biên giới Hà Tiên. Lực lượng hải quan mỏng, dân buôn lậu đối phó rất tinh vi, dùng điện thoại liên lạc cho nhau nên rất khó bắt quả tang" - ông Tiến nói.

Ngành chức năng của các tỉnh có tuyến biên giới bộ tiếp giáp Campuchia như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp cũng cho rằng tuyến biên giới dài, có thể vận chuyển qua bằng nhiều ngả nên rất khó kiểm soát...

Một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xuất lậu là phân phối lượng xăng dầu vừa đủ nhu cầu về các địa bàn biên giới.

Theo H.T.Dũng - Đ.Vịnh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.