Xăng, dầu tăng giá: Nhiều ngư dân không dám ra khơi

Xăng, dầu tăng giá: Nhiều ngư dân không dám ra khơi
Giá xăng dầu tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến sản xuất bị thua lỗ, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ. Chi phí cho một chuyến tàu ra khơi đánh cá đã tăng từ 24 lên 45 triệu đồng.

Ngay khi giá xăng dầu tăng, các ngành sản xuất đã đưa ra con số thua lỗ hoặc nguy cơ thua lỗ do chi phí đầu vào tăng.

Ngành khai thác và đánh bắt thủy sản được coi là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất. Bộ Thủy sản nhận định: Giá nhiên liệu tăng gây khó khăn không nhỏ cho ngư dân. Giá xăng dầu tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến sản xuất bị thua lỗ, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ. Chi phí cho một chuyến tàu lớn ra khơi đánh cá đã tăng 45 triệu đồng và tàu nhỏ là gần 24 triệu đồng.

Ông Ba Được, chủ cửa hàng xăng dầu Bình Minh tại cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) cho biết: “Giá xăng dầu tăng đột ngột làm cho nhiều chủ tàu không tới lấy nhiên liệu để ra khơi, làm cho doanh số bán ra của cửa hàng chúng tôi giảm đột ngột”.

Ông Tư Nguyên - một ngư dân giàu kinh nghiệm, ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 2 chiếc tàu làm nghề cào khơi, phải đổ hơn 100.000 lít dầu cho chuyến biển dài hàng tháng trời thì chi phí xăng dầu tăng phải tốn thêm hơn 100 triệu đồng.

Thị trấn Sông Đốc sống nhờ vào nghề khai thác biển đang bao trùm lên không khí ảm đạm. Tàu nằm bờ la liệt, chợ búa vắng, nhịp độ mua bán không còn nhộn nhịp như trước đây.

Lượng tàu khai thác biển của thị trấn Sông Đốc gần 700 chiếc, phần lớn là tàu khai thác biển xa bờ thì con số tàu nằm bờ lên đến hàng trăm chiếc. Với giá xăng dầu như hiện nay, gần 3500 tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau phải đổ thêm chi phí xăng dầu gần 200 tỷ đồng mỗi tháng.

Thị trấn Gành Hào (Đông Hải) giàu có nhất các cửa biển tỉnh Bạc Liêu cũng la liệt tàu nằm bờ. Ngư dân huyện Đông Hải có 455 chiếc, trong đó 260 chiếc có khả năng khai thác xa bờ. Hiện có vô số tàu đánh cá mang biển số từ các tỉnh miền Trung, Nam bộ la liệt nằm bờ vì giá xăng dầu tăng.

Trong khi đó tại tỉnh Kiên Giang nhiều ngư dân mà chúng tôi gặp cũng mang nét mặt đầy lo âu. Ông Nguyễn Thanh Hải, ngụ tại phường Vĩnh Thanh Vân (TX Rạch Giá) than thở: “Chúng tôi là dân chuyên làm nghề lưới cản, đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Với giá xăng dầu như hiện nay, mỗi tháng đội tàu 6 chiếc của tôi phải gánh thêm khoảng 20 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác sẽ tiếp tục tăng theo”.

Giá xăng dầu và các loại vật tư, tiền nhân công cứ tăng liên tiếp, trong khi giá cá không tăng. Thậm chí mấy tháng nay một số loại tôm, cá nước ngọt dội chợ cũng đã làm cho cá biển ế ẩm. Ngốn nhiều dầu nhất là dân chuyên đánh bắt bằng cào đôi. Ông bảy Trung, ở huyện Hòn Đất cho biết: Đội tàu của ông có tới 15 cặp cào đôi, mỗi cặp sử dụng từ 30- 40 ngàn lít/ tháng, điều này cũng có nghĩa rằng phải chi phí thêm 30 - 40 triệu cho mỗi tàu trước mỗi chuyến ra khơi.

Cách thức tiết kiệm duy nhất là… hạn chế tối đa đội tàu vào bờ. Cứ đánh bắt liên tục, đầy cá thì mới cho 1- 2 tàu chở vào đất liền bán sản phẩm và tiếp tục lo hậu cần… Tỉnh kiên Giang hiện có đội tàu đông nhất nước với trên 7000 tàu đánh cá các loại, việc tăng giá xăng dầu đang là một gánh nặng thật sự cho ngư dân trên vùng biển Tây.

Theo tính toán mới nhất của ông Vũ Văn Đài - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Thủy sản), cả nước hiện có 81.800 tàu thuyền với tổng công suất 4.038.365 CV. Mỗi năm, số tàu, thuyền này sử dụng khoảng 1.300.000 tấn dầu.

Với mức giá 6.500 đồng/lít dầu thì tổng chi phí cho nhiên liệu khoảng 8.450 tỷ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu giá thành sản phẩm thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng cao nhất (33-59%) tùy theo loại nghề. Từ tính toán trên, ông Đài kết luận: Chỉ riêng với nghề khai thác thủy sản, giá dầu tăng đã gây khó khăn lớn trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho ngư dân.

Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng tính được chi phí xăng, dầu cho 1 ha nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 10% tổng chi phí. Tổng lượng xăng dầu sử dụng cho nuôi trồng thủy sản khoảng 54.000 tấn/năm. Như vậy, tất cả các lĩnh vực của ngành thủy sản đều bị tác động xấu khi giá dầu tăng.

Điều tra tại một số DN, HTX đánh bắt, chế biến thủy sản cho thấy, để đánh bắt được 1 kg hải sản, các đơn vị phải chi tiền xăng dầu khoảng 1.533-1.735 đồng, tương đương 0,374-0,423 kg dầu. Khai thác 1 kg hải sản, ngư dân phải nộp cho ngân sách qua giá xăng dầu bình quân khoảng 605 đồng, bằng 15-17% giá thành sản phẩm.

Theo Bộ thủy sản, hiện nhiều tỉnh tàu phải nằm bờ do giá dầu tăng nhanh. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến và tiêu thụ nội địa đang gặp nhiều khó khăn. Với tàu đánh bắt và khai thác thủy sản xa bờ khó có khả năng có lãi để trả nợ ngân hàng, thu hồi nợ sẽ càng bế tắc.

Bộ Thủy sản dự kiến kiến nghị Chính phủ trích tỷ lệ thỏa đáng trong phí xăng dầu thu được để tiếp tục nâng mức đầu tư cho điều tra nguồn lợi, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khai thác hải sản, vùng nuôi tôm công nghiệp. Trước mắt, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương lập các đội tàu khai thác để giảm chi phí hậu cần, chuyển một số nghề khai thác để giảm  lượng dầu tiêu hao… 

MỚI - NÓNG