Xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân

Xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân
TP - Tổng Giám đốc Vinacomin cho rằng cần phải giải quyết tốt mâu thuẫn giữa những tác động từ việc khai thác mỏ với đời sống người dân sở tại và giải quyết vấn đề môi trường.

“Là một tập đoàn kinh tế chuyên khai thác khoáng sản của đất nước, chúng tôi ý thức rằng, phải giải quyết tốt mâu thuẫn giữa những tác động từ việc khai thác mỏ với đời sống người dân sở tại và giải quyết vấn đề môi trường. Chỉ khi đó, hình ảnh của ngành mới thực sự thân thiện trong con mắt người dân, dư luận”- Tổng Giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn, nói khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Ông Lê Minh Chuẩn
Ông Lê Minh Chuẩn.

Luôn đổi mới công nghệ

Thưa ông, so với thế giới thì trình độ công nghệ khai thác than của Vinacomin hiện ở mức độ nào?

Về khai thác than hầm lò, so với khu vực thì mình không kém, nhưng nếu so với thế giới thì ta thấp hơn họ. Sau 75 năm, hiện ta đã thay thế được vì chống đỡ trong lò từ gỗ sang 100% kim loại. Trước kia, bình quân một tấn than khai thác trong hầm lò, chúng tôi phải dùng 37– 40 m3 gỗ.

Hiện nay chi phí gỗ của chúng tôi chỉ từ 5 - 6m3, thậm chí có nơi cơ giới hóa chỉ còn có 3m3 gỗ/tấn than khai thác. Đây là một thành công lớn trong những năm vừa qua, từ chủ trương kiên quyết đổi mới công nghệ và cơ giới hóa trong hầm lò. Ngoài ra, nếu đầu những năm 90, tỉ lệ tổn thất trong khai thác than hầm lò tới 45%-50%, thì đến nay tổn thất chỉ còn 26%-27%.

Về khai thác lộ thiên, trước kia việc hạ moong xuống sâu là cả vấn đề nhưng hiện nay các mỏ lộ thiên của chúng tôi đã hạ sâu âm 100 mét, có mỏ lộ thiên đã xuống âm hơn 150 mét. Chế biến sâu về than cũng được áp dụng nhiều công nghệ mới. Toàn bộ nhà máy tuyển của chúng tôi cũng áp dụng công nghệ mới giúp tận thu được toàn bộ than bùn, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đến nay tập đoàn đã nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm các công nghệ trên?

Chúng tôi nhận chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc trong chế tạo cột thủy lực và đã nội địa hóa được gần 50%. Còn giàn chống cơ giới hóa, chúng tôi cũng liên kết với nhà sản xuất Cộng hoà Séc để nội địa hóa được gần 20%. Cái thành công nhất là chúng tôi được đưa về để tự gia công theo bản quyền của họ. Hiện 100% các hầm lò có hệ thống cảnh báo khí metan và đều tự động hóa.

Công nghệ sản xuất than của Việt Nam tương đương các nước trong khu vực. Ảnh: Hồng Vĩnh
Công nghệ sản xuất than của Việt Nam tương đương các nước trong khu vực. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sắp tới khi các hầm lò xuống sâu thì chúng tôi sẽ đặc biệt ưu tiên hơn nữa. Chúng tôi coi đây là vấn đề sống còn cho quá trình phát triển trong những năm tới. Các hệ thống này giúp giảm tai nạn lao động trong hầm lò rất đáng kể.

Ưu tiên giải quyết môi trường

Là ngành chuyên đi khai thác khoáng sản của đất nước nên khá nhạy cảm với dư luận. Tập đoàn làm thế nào để giữ được hình ảnh tốt với công chúng?

Với đặc thù của ngành khai thác than và khoáng sản, hoạt động ở đâu đều tác động đến đời sống dân cư và môi trường ở đó. Để giải quyết tốt vấn đề này, nhiệm vụ của chúng tôi là phải phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết tốt các mâu thuẫn đó.

Từ vấn đề chăm lo cho đời sống người dân sở tại, cũng chính là giải quyết và chăm lo đời sống cho người lao động của ngành. Hay như vấn đề tác động môi trường, chúng tôi có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương xây dựng các khu dân cư hoặc khu công nhân đảm bảo ổn định xã hội. Nếu làm tốt thì hình ảnh của Vinacomin ngày càng tốt hơn.

Hôm nay, 12-11-2011, 75 năm Ngày truyền thống ngành Than. Hiện Vinacomin có trên 135.000 cán bộ công nhân viên hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như khai thác mỏ, cơ khí, khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất và các ngành kỹ thuật khác. Năm 2010, Vinacomin được xếp thứ 5 trong tổng số 500 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Năm 2011, được xếp thứ 7 trong số 1.000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất cả nước.

Thực tế 10 năm qua chúng tôi đã làm rất tốt ở Quảng Ninh. Như năm 1998 chúng tôi đã quyết định không vận chuyển than bằng tàu hỏa ở Hòn Gai và sau đó không vận chuyển than ở vịnh Hạ Long nữa. Cách đây 25 năm, ở Mạo Khê ngồi trong nhà cũng thấy bụi bụi, thì nay đi từ Mạo Khê đến Cẩm Phả, tình trạng này không còn.

Hàng năm tập đoàn dành kinh phí thế nào để bảo vệ môi trường?

Nhiều đoàn kiểm tra và báo chí cũng đánh giá ngành than là ngành duy nhất thành lập quỹ môi trường. Hiện trong giá thành 1 tấn than chúng tôi được trích 1% chi phí sản xuất cho quỹ này. Còn lại các công ty mỏ và đơn vị được trích 0,5% trong chi phí của đơn vị để dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Con số trích quỹ này định kỳ hàng năm khoảng 600 tỷ. Còn đột xuất hàng năm theo các công trình thì khoản trích có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài phần chúng tôi tự trích, theo quy định của Chính phủ, các năm vừa qua chúng tôi đã đóng phí bảo vệ môi trường 6.000 đồng/tấn than nguyên khai. Nhờ đó, các địa phương có nguồn kinh phí này để cải tạo môi trường, cảnh quan mỏ hàng năm với số tiền hàng nghìn tỉ.

Thí điểm khai thác bể than đồng bằng sông Hồng

Theo tính toán, bể than Quảng Ninh có thể khai thác đến bao giờ, thưa ông?

Theo quy hoạch phát triển ngành than đến 2020 và xét triển vọng đến 2030 vừa trình Chính phủ, bể than Quảng Ninh còn khoảng gần 10 tỷ tấn nữa nếu khai thác xuống độ sâu âm 1.000 mét. Hiện chúng tôi mới thăm dò ở độ sâu 300m và có chỗ 500m.

Để tường minh nguồn tài nguyên này, trong thời gian tới cần thăm dò mỏ rộng. Theo kế hoạch năm nay khai thác 47 triệu tấn than nguyên khai. Đến 2015 khai thác 55 – 57 triệu tấn. Với con số 10 tỷ tấn than thì việc khai thác vẫn còn rất nhiều năm nữa.

Vậy còn khả năng khai thác bể than sông Hồng thì sao?

Theo dự báo tiềm năng của bể than này khoảng 20-30 tỷ tấn. Đây là bể có than abitum hoàn toàn khác với than Quảng Ninh và rất phù hợp để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện. Trước mắt, Vinacomin đề nghị Chính phủ cho tổ chức khai thác thí điểm trong phạm vi 1 km vuông ở khu vực Khoái Châu, Hưng Yên và Thái Bình. Hiện Chính phủ chưa có chỉ đạo chính thức và chúng tôi đang chờ quy hoạch để thực hiện.

Cảm ơn ông.

Nhật Anh - Phạm Tuyên
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG