Xe biển Lào ào ào vào... đất Việt!

Xe biển Lào ào ào vào... đất Việt!
“Con đường ăn chơi” nơi gió Lào, cát trắng này ngày càng thuận lợi vì hầu hết chủng loại xe “thửa” có giá cực rẻ và vào ngay từ nước bạn Lào theo đường “tạm nhập nhưng không… tái xuất”… 
Xe biển Lào ào ào vào... đất Việt! ảnh 1

Người miền Trung nói: “Có cửa khẩu Lao Bảo nên dân Thị xã Đông Hà, Quảng Trị liên tục lên đời!” và dẫn chuyện: Chán đốt thuốc Jet thì “đổi gam” sang “555” chính hiệu; chán diện quần bò, phông Thái lại chuyển bộ kaki bắt gà. Nghe chuyện, nhiều “đại gia” Đông Hà cười khẩy “muỗi!”, bởi “thú chơi” của họ bây giờ là “nghe vê ba, ngồi Toyota” (nghe điện thoại di động Motorola V3, lái xe ôtô Toyota). “Oách” hơn, các “đại gia” thay xe như thay… áo và liên tục “lên đời” xe.

Dân chơi “xe xịn, giá rẻ”

Dân Đông Hà có thói quen uống cà phê buổi sáng. Thường thì người ta chọn những quán cà phê bình dân ven đường để trò chuyện, đọc báo hoặc có khi chỉ chong mắt nhìn ra đường, nghĩ ngợi nhân tình thế thái hoặc đơn giản là nghĩ cách kiếm sống trong ngày. Đấy là chuyện ngày trước, còn bây giờ ở Đông Hà mọc lên khá nhiều quán “hàng hiệu” chuyên dành cho các “đại gia mới nổi - loại “nghe vê ba, ngồi Toyota”. Buổi sáng ra quán cà phê cạnh sân vận động tỉnh, mấy cậu nhân viên phục vụ bĩu môi nhìn chiếc xe máy ậm ạch chở tôi cùng anh bạn làm báo Quảng Trị và thăm dò: “Anh ni ngoài Bắc mới vô tìm mua xe?”. Gật đầu cho xong chuyện, cậu nhân viên hớn hở: “Chút xíu, các chủ xe tới liền à! Lựa thoải mái!”.

7 giờ sáng, các “tay chơi” lục tục kéo đến trên những chiếc “xe thửa”, từ Toyota Landcruiser lốp căng, bánh béo chuyên đi rừng núi cho đến Honda Accord LX trùng trục như cậu thanh niên miền biển, Mitsubishi Super 2.8 GLX “nồi đồng cối đá” bán tải vừa đi chơi, vừa chở hàng, Toyota HILUX-VIGO mới cáu nhang nhác chú bọ hung cần mẫn… Tuy khác nhau về chủng loại, màu sắc, nhưng tất cả các con xe này đều giống nhau ở chỗ đeo biển kiểm soát (BKS) của nước bạn Lào màu vàng choé. “Xe ngoại, người nội”, các lái xe đồng loạt người Việt, giọng đặc sệt Quảng Trị. Chưa hết “ồ! à!” ngạc nhiên no mắt, mọi người trong quán trợn hết cả mắt bởi một con Camry “hàng hiệu” hao hao giống BMW xịch đỗ. “Đại gia” ngồi bàn bên hít hà tỏ vẻ sành sỏi: “Camry CE 2007 sử dụng động cơ chạy xăng, giá bán bên ngoài là 18.270 USD nhưng về đến Việt Nam có khi đến 70.000 USD!” và thao thao: “Hệ thống âm thanh tiêu chuẩn trên Camry 2007 là dàn CD 6 đĩa AM/FM nối với 6 loa và âm ly kỹ thuật số 4 kênh, công suất 160W. Tất cả các đầu CD của các phiên bản Camry đều chơi được định dạng MP3 và trang bị dàn JBL cho phép kết nối với điện thoại Bluetooth”…

“Bên ngoài có loại xe mới nào, chỉ vài ngày sau, Quảng Trị cũng có loại ấy, miễn là có nhu cầu và có… tiền!” - “Đại gia” B.T, người Đông Hà dày dạn mọi mánh khoé “đong đưa” ôtô qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, sau cả giờ cố nhồi nhét “kiến thức xe” vào đầu tôi đã bất lực thở dài nói vậy và khẳng định: “Tiền ít, đòi vít… hoa thơm thì hay nhất là kiếm chiếc xe mang BKS Lào. Rẻ-xịn- oách và nhất là ít bị CSGT bắn tốc độ, kiểm tra giấy tờ đòi… làm luật!”.

Một “đại gia” tên Khiêm từ Hướng Hoá (cách đó gần 80 km) vừa lái Landcruiser xuống Đông Hà “thăm bạn nhậu”, so sánh “được, mất” bằng chính con số mà một cơ quan quản lý nhà nước vừa công bố: Xe BMW 3-Series giá bán tại nước sản xuất 29.300-37.450 USD, nhưng giá bán tại Việt Nam từ 63.000 - 76.000 USD; Ford Focus, giá gốc 14.075-17.410 USD, bán tại Việt Nam khoảng 32.500-39.300 USD; Ford Escape 19.425-28.455 USD/41.900-47.900 USD; Mazda 6 giá 18.955-24.345 USD/42.500-46.900 USD; Mercedes Benz C Class 29.250-39.150 USD/59.200-81.100USD; Toyota Landcruiser 55.325 USD/ 71.800USD… Vênh ít nhất là dòng “xe cỏ” như Suzuki Grand Vitara, giá bán tại nước sản xuất là 18.399 USD, giá bán tại Việt Nam khoảng 20.900 USD. “Đại gia” Khiêm khẳng định: “Giá xe mua tại Lào chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn cả giá gốc và bất cứ ai cũng có thể sở hữu một 'xe xịn, giá rẻ' chỉ trong vài ngày, miễn là… có tiền đặt cọc”.

Nghi nhưng không dám… bắt

Không tin lắm vào câu chuyện “mua ôtô dễ như mua… xe đạp” được nghe ở quán cà phê, tôi lên Lao Bảo tìm hiểu. Ông Đoàn Xuân Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan (HQ) cửa khẩu Lao Bảo vừa nghe chuyện liền gọi ngay Kiểm tra viên Lê Hồng Mẫn mang tập “danh sách xe ôtô tạm nhập quá hạn, chưa tái xuất qua cửa khẩu Lao Bảo”. Tôi chúi mũi đọc: Ngày 28/12/2005, HQ đã lập danh sách 83 xe không tái xuất đúng thời hạn quý IV/2005 (từ 29/8-30/11/2005). Số này chủ yếu là xe xịn như Lexus, Toyota, Mitsubishi, Honda, Ford, Nissan, Mercedes, Isuzu… Thời điểm tôi có mặt tại Lao Bảo (cuối tháng 4/2006), chỉ 29/83 xe thực hiện tạm nhập tái xuất. Số còn lại hình như… trốn biệt ở lại, trong đó gồm 1 xe Lexus (BKS 1457), 2 Mercedes (BKS 3268, 3-375), 2 Ford (BKS 0066, 2128), 5 Mitsubishi, số còn lại chủ yếu là Toyota và một số loại khác như Hyundai, Sutian, Asia… Quý I/2006, danh sách xe tạm nhập quá hạn chưa tái xuất qua Cửa khẩu Lao Bảo tăng thêm 36 chiếc, gồm 1 Mercedes (BKS 0669), 2 Mitsubishi (BKS 0674, 1193), 20 chiếc Toyota và các chủng loại xe khác từ Uoát lên đến Hino, Kamz, Kia, Hyundai, Honda và những loại “lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam” như ODI… Những chiếc xe này có xuất xứ từ các địa phương của Lào như: Viêng Chăn, Salavan, Savanakhet, Chămpasắc, Atapư, Khăm Muộn, Sê Kông, Hủa Phăn, Bolikhamxay…

Chi cục trưởng HQ cửa khẩu Lao Bảo Đoàn Xuân Thuỷ bức xúc: “Số lượng phương tiện mang BKS Lào do người Việt Nam điều khiển thường xuyên qua lại rất lớn. Các xe này khi xuất nhập cảnh có đầy đủ giấy tờ theo quy định nên buộc HQ phải thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế điều chỉnh nhằm tránh việc lợi dụng đưa xe nhập khẩu trái phép vào Việt Nam!” và diễn giải: “Chúng tôi rất nghi ngờ bởi khi vào, họ có đầy đủ giấy tờ, nhưng không thể biết nổi là xe đó có đúng của người chủ sở hữu tại Lào hay không? Biết đâu lại do người Việt Nam mua rồi nhờ người Lào đứng tên?”. Ông Thuỷ cho biết, vừa qua, Chi cục HQ cửa khẩu Lao Bảo đã lập danh sách các xe tạm nhập-tái xuất và chưa tái xuất theo yêu cầu của Công an tỉnh Quảng Trị. “Nhất thiết phải quản lý chặt chẽ, bởi tôi biết rất nhiều người Việt Nam không thuộc diện hợp tác lao động, đi học, làm chuyên gia… nhưng cứ mua xe ở Lào về Việt Nam sử dụng”- ông khẳng định và đề xuất: “Nếu đi học, làm việc thì phải có quyết định cử đi công tác của cơ quan. Nếu xe của người Lào thì phải có chứng nhận của Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào”.

Thực tế, đến thời điểm này, không chỉ Quảng Trị mà một số Cục HQ có cửa khẩu giáp các nước Lào và Campuchia như Hà Tĩnh, An Giang, Kiên Giang… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý xe ô tô tạm nhập nhưng quá thời hạn vẫn chưa tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Một quan chức thuộc Tổng cục HQ cho biết, những xe tạm nhập-tái xuất vào bằng nhiều dạng và được điều chỉnh bởi những quy định tại các văn bản khác nhau (Nhà nước cho phép theo điều chỉnh của các hiệp định giữa các Chính phủ; tạm nhập theo sự linh động của một số địa phương…). Chính sự "du di", ưu đãi đặc biệt đã giúp một số đối tượng người Việt Nam đang lao động tại Lào (hoặc thông qua các đối tượng này) mua xe mang BKS Lào và sử dụng giấy phép liên vận Lào -Việt để tạm nhập các xe ô tô Lào vào Việt Nam sử dụng và mua bán trái phép. Điển hình nhất là thời gian trước, Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý một số đơn vị, cá nhân thuộc Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội tạm nhập xe ô tô du lịch mang BKS Lào qua cửa khẩu Cầu Treo-Hà Tĩnh đưa về Hà Nội sử dụng, trao đổi, mua bán.

Trung tá Nguyễn Thế Toại, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Quảng Trị) khẳng định: “Mặc dù đã biết có tới 90% người điều điều khiển xe BKS Lào chạy lông nhông ngoài đường là người Việt, nhưng về tâm lý, CSGT rất ngại kiểm tra, kiểm soát bởi đơn giản đó là xe… nước ngoài. Một số trường hợp xe gây tai nạn, khi kiểm tra giấy tờ, CSGT mới phát hiện là xe tạm nhập, nhưng quá thời hạn vẫn chưa tái xuất. Mới đây nhất, chiếc xe BMW mang BKS Lào 528… đã gây tai nạn khiến 4 người Việt chết tại Quảng Trị. Kết quả điều tra cho thấy, chủ xe người Lào đã ủy quyền cho Nguyễn Văn Côi (quốc tịch Việt Nam) sử dụng xe ngay sau khi đăng ký tại Lào và làm thủ tục cấp giấy phép liên vận Việt-Lào để tạm nhập vào Việt Nam. Đến ngày xảy ra tai nạn, xe BMW đã tạm nhập vào Việt Nam 55 ngày (quá 25 ngày so với quy định)…

“Xe gian chạy lung tung, lang tang”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng dường như rất bức xúc trước tình trạng “xe Lào, lái Việt” nên đã thẳng thắn nêu quan điểm: “Không thể để xe gian chạy lung tung, lang tang!”. Ông Thăng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 xe mang BKS Lào, nhưng lại là tài sản của tổ chức, cá nhân, thậm chí DN” và khẳng định: “Nguyên nhân của việc thẩm lậu xe ô tô vào nội địa một phần là do việc cấp giấy phép liên vận cho ô tô tạm nhập-tái xuất của phía Lào rất đơn giản. Bên cạnh đó, vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định các đối tượng là tổ chức, cá nhân người Việt Nam lao động tại Lào có được phép mua phương tiện của Lào tạm nhập vào Việt Nam để sử dụng và lái xe là người Việt Nam có được điều khiển phương tiện mang BKS của Lào tạm nhập vào, đồng thời được sử dụng tại Việt Nam”. Cách quản lý giống kiểu “trên mở, dưới khép”, khiến Trung tá Nguyễn Thế Toại vò đầu bứt tai: “Tiếng là xe chỉ tạm nhập, lưu hành trong tỉnh Quảng Trị, nhưng chúng chạy khắp… Việt Nam!”.

Theo Đầu Tư

MỚI - NÓNG