Xe chở hàng bị áp thuế xe chở người

Xe chở hàng bị áp thuế xe chở người
Cục đăng kiểm chứng nhận chủng loại là xe tải Van, nhưng ngành hải quan áp thuế là xe chở người. Cứ thế giằng co, doanh nghiệp đóng tiền bến bãi từ năm này qua năm khác.
Xe chở hàng bị áp thuế xe chở người ảnh 1
Xe chở hàng bị áp thuế xe chở người

Tháng 5/2007, công ty Vĩnh Tâm tại khu công nghiệp Biên Hòa tỉnh Đồng Nai nhập chiếc xe Huyndai Starex về cảng Hải Phòng.

Loại xe này có tải trọng 1 tấn, chở được 3 người. Trong biểu thuế của Bộ tài chính, loại xe này thuộc nhóm 8704, nhóm “xe tải Van, pick-up và các chủng loại xe tải khác”.

Giấy chứng nhận của cục đăng kiểm  ngày 30/5 ghi chủng loại là ôtô tải Van. Đây là văn bản dùng để giải quyết thủ tục nhập khẩu.

Thế nhưng khi công ty Vĩnh Tâm làm thủ tục nộp thuế để thông quan, Hải quan thành phố Hải Phòng áp vào mã số 8703, thuộc nhóm xe chở người.

Văn bản số 2678 ngày 19/6/2006 do bà Đặng Thị Bình An, Tổng cục phó tổng cục hải quan ký, gửi hải quan Hải Phòng, ghi rõ: “Xe ôtô vừa chở người vừa chở hàng có kiểu dáng ôtô du lịch (Cục đăng kiểm Việt Nam kết luận là ôtô tải Van) được phân loại vào nhóm 8703”.

Chiếc xe này được mua với giá 3.200 USD, nếu áp thuế xe tải thì sẽ chịu thuế 150% thuế nhập khẩu, 5% thuế GTGT, tổng cộng các loại sẽ là 5.200 USD. Còn nếu áp thuế theo chủng loại xe chở người 3 chỗ ngồi đã qua sử dụng thì phải chịu thuế tuyệt đối 15.000 USD, thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế GTGT 5%, tổng cộng lên đến 25.465 USD.

Như vậy, chiếc xe này còn đắt hơn xe chở người 6 chỗ ngồi, và là chiếc xe tải đã qua sử dụng đắt nhất từ trước đến nay.

Rất nhiều DN nhập xe về nhưng không làm sao lưu hành được. Các công ty như cổ phần An Việt đã nhập về 2 chiếc nhưng chưa dám mở tờ khai, công ty điện máy Miền Trung, Bảo Hiển, Đức Phát… đều có xe phải nằm tại bãi.

Từ trước đến nay có gần 1.000 chiếc xe nhập về Việt Nam. Công văn 3506 của ngành Hải quan thống kê, trong vòng hai năm rưỡi từ đầu 1999 đến giữa năm 2002, có 136 DN nhập về 976 chiếc xe tải mui kín.

Trong số này có 852 xe đã hoàn thành thủ tục hải quan và đã cấp tờ khai nguồn gốc 852 xe, đã làm thủ tục hải quan nhưng chưa cấp tờ khai nguồn gốc là 101 xe, đang tạm giữ chưa làm thủ tục hải quan 23 xe.

Không chỉ có mỗi Vĩnh Tâm mắc kẹt, mà cả ngàn chiếc loại này nhập về và cũng đang chết gí. Bởi chính Bộ Tài chính, nơi có biểu thuế ghi lại xe này là xe tải, cũng lại đang có văn bản bị truy thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể xử phạt và phụ thu những chiếc đã cấp tờ khai nguồn gốc.

Doanh nghiệp bị thiệt hại

Các DN cho biết, nếu tính chênh lệch về thuế giữa hai chủng loại xe, DN đã phải đóng tăng hơn 20.000 USD, trên dưới 300 triệu đồng. Còn hiện tại, DN vẫn phải chịu tiền bến bãi. 12 chiếc xe của Đức Phát nằm bãi đã 4 năm, tiền bến bãi mỗi chiếc lên khoảng 78 triệu/chiếc, bằng giá thành chiếc xe đã tính thuế! Còn nếu làm tròn 1.000 chiếc xe phải nộp theo khung áp thuế xe tải, xe tuy không được lưu hành nhưng DN phải nộp tổng cộng 5,2 triệu USD, thiệt hại vô kể!

Các DN cho rằng, tiền bạc có thể chịu được, nhưng vấn đề làm sao để lưu hành. Bởi lẽ, tờ đăng kiểm chứng nhận là xe tải, còn tờ khai nộp thuế lại là xe chở người, nếu đem đi đăng ký, chắc chắn ngành công an sẽ không chấp nhận.

Van là loại xe đa dụng, chở được 3 người, có khoang chở hàng hóa phía sau. Trong bản quy định TCVN 7271:2003 mô tả: Khoang chở hàng gắn liền với cabin, có lắp đặt vách ngăn cố định, có bố trí cửa để xếp hàng…”. Điều này thêm một lần nữa khẳng định Van là xe tải.

Ông Giang bức xúc: “Chúng tôi làm đại lý bán hàng dầu nhớt LG, mua xe về để vận chuyển hàng, vì vậy chúng tôi mua chiếc xe có công năng mình cần, là chở hàng. Áp đặt của ngành hải quan khiến chúng tôi bị thiệt hại vô kể”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Đức Phát cũng phản đối: “Chúng tôi nhập có trong danh mục cho phép, có biểu thuế, có văn bản hướng dẫn, xe không trái với quy định của Nhà nước. Việc mắc kẹt này chỉ do ngành hải quan tự áp đặt, khiến chúng tôi bị không biết bao nhiêu khó khăn.

Trên thế giới, chiếc xe này vẫn được sản xuất, sử dụng, lưu hành bình thường. Còn ở Việt Nam, các văn bản, quy định của Nhà nước cũng đầy đủ, công nhận đây là xe tải. Vậy tại sao ngành Hải quan vẫn cứ nhất quyết ép buộc DN phải đóng thuế xe khách? Lẽ ra DN là đơn vị nhập xe và có nghĩa vụ đóng thế có quyền được giải thích rõ điều này, nhưng mọi giải thích của ngành Hải quan đều không rõ nghĩa.

Theo VNN

MỚI - NÓNG