Xin cho và cò dự án

Xin cho và cò dự án
TP - Ngày 30/10, phát biểu tại Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ”.

ĐB Nga cho hay, hơn 20 năm qua, Việt Nam đã thu hút khoảng 78 tỷ USD vốn ODA, bình quân 3 tỷ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực đưa nguồn vốn này đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ. 

Điển hình là các vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại Dự án Danisa Đan Mạch 2012, vụ JTC đường sắt gần đây. Tuy có nhiều cơ chế kiểm tra giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phía nước ngoài phát hiện.

Theo ĐB Nga, là nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển quan trọng nhưng ODA chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định 38 của Chính phủ. Việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong Nghị định 38 mới chỉ mang tính nguyên tắc, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng xin, cho, cò dự án, tiêu cực, tham nhũng. Đáng lưu ý, Quốc hội chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân, chủ thể phải đóng thuế, là người trả nợ cuối cùng, gần như đứng ngoài quy trình về ODA. Vì vậy, Quốc hội cần ban hành Luật Quản lý sử dụng ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, dự án và quy trình phân bổ.

Thực tế 20 năm qua, mặc dù đã xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận, nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan của Quốc hội, phụ trách về kinh tế, về ngân sách, nhưng Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chưa lần nào giám sát về chuyên đề này. Vào các năm 1999, 2003, Ủy ban Đối ngoại có 2 lần giám sát. Năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước. Đáng tiếc những kiến nghị rất đúng đắn này cho đến nay vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ.


Một lo ngại khác, theo ĐB Nga, có một tỷ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là lãnh đạo địa phương còn hiểu một cách rất sơ đẳng ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ. Cùng với xu hướng thích dùng ODA lại gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích ở một số nơi đã và đang khiến công trình ODA xuất hiện rất nhiều, nhưng một số công trình chất lượng, hiệu quả thấp, suất đầu tư bị đội lên quá cao.

“Đây là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn. Chúng tôi đề nghị Quốc hội tiến hành phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc nguồn ODA”, ĐB Nga nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG