Bộ Công Thương đối thoại doanh nghiệp:

Xin đừng dùng luật giết chết doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời những kiến nghị của DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời những kiến nghị của DN.
TPO - Nhiều đại diện doanh nghiệp kinh doanh gas, nhập khẩu ô tô bày tỏ bức xúc trước những quy định trong các thông tư, nghị định của Bộ Công Thương đang giết chết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, doanh nghiệp đừng buộc tội vô căn cứ.

Thêm giấy phép con, DN buộc phải đối phó

Tại tại Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương” ngày 26/9, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện DN các doanh nghiệp kinh doanh gas ở Khánh Hòa cho rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận làm đại lý kinh doanh gas trong Nghị định 19 về kinh doanh gas quy định luẩn quẩn.

Chưa kể nghị định này còn có những quy định vi phạm Luật Doanh nghiệp. Theo bà Trang, điều này thể hiện ở việc, Nghị định 19 quy định muốn được cấp phép, DN phải có 10 tổng đại lý hay 7 đại lý. Quy định này phạm Luật Doanh nghiệp với việc tạo ra các điều kiện kinh doanh mới. Vì vậy, Bộ Công Thương cần bỏ quy định đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 tổng đại lý hoặc 3 DN kinh doanh gas.

Khẳng định Nghị định 19 của Bộ Công Thương hiện có nhiều bất cập, ông Trần Trung Nhật, DN kinh doanh gas ở Tây Ninh cho biết DN của ông có trạm sang chiết gas, hoạt động 15 năm nay với lượng khách hàng ổn định với 16-17 nghìn vỏ bình. 

Theo Nghị định này, DN phải có 100 nghìn vỏ bình, có 300 m3 khí và 20 đại lý mới được cấp giấy phép làm thương nhân phân phối khí. Thực tế, với quy định này, để có giấy phép DN sẽ phải ra làm việc với Bộ Công Thương. “Kinh doanh lâu như vậy nhưng, trước nay không có quy định về giấy phép. Nay đẻ thêm ra giấy phép con khiến DN rất khổ. Cùng đó Nghị định 19 còn những điều khoản can thiệp rất sâu vào hoạt động của DN”, ông Nhật nói.

Ngắt lời đại diện DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hỏi: “Khi lấy ý kiến DN trước khi ban hành Nghị định 19, DN có tham gia góp ý những vấn đề đang gặp phải?”. “Khi chuẩn bị lấy ý kiến, Sở Công Thương Tây Ninh có văn bản gửi tới DN lấy ý kiến góp ý và chúng tôi đã có ý kiến nhưng không biết các ý kiến đóng góp của chúng tôi có ra tới được Bộ Công Thương không. 

Một ngành kinh doanh mà trong 6 năm có tới 2 nghị định ra đời với các điều kiện kinh doanh mâu thuẫn, khó hiểu gây nhiều khó khăn cho DN. Nay DN suốt ngày phải đi đối phó với chính sách, khổ nắm. Chính sách làm sao phải ổn định, thông thoáng lâu dài để người dân, DN thực hiện theo đúng tinh thần Nhà nước kiến tạo”, ông Nhật cho biết.

Cùng phản ánh Nghị  định 19 có nhiều bất cập, bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện các DN kinh doanh khí ở Bình Định cho rằng, không thể áp đặt số lượng bình chung cho cả nước như hiện nay. Cần có những quy định về số lượng bình phù hợp với dân số của từng vùng miền. Khi đó áp dụng sẽ phù hợp hơn.

 “Nhiều DN đã kinh doanh cả chục năm nay, giờ theo quy định mới sẽ phải vay hàng chục tỷ từ ngân hàng để đầu tư thêm vỏ bình. Nếu không đáp ứng được, DN sẽ phải đóng cửa. Như vậy là rất bất hợp lý”, bà Lương nói.

Trước phân tích thấu tình này của DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, những vướng mắc, phản ánh của DN kinh doanh khí đã được lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận và tới đây bộ sẽ cùng các cơ quan chức năng sửa đổi cho phù hợp. Về phía DN, cần tham gia tích cực hơn vào việc đóng góp ý kiến sửa đổi cho Nghị định.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho rằng chúng ta đang cố gắng cải cách thủ tục kinh doanh nhưng thực tế cho thấy nhiều khi các thủ tục hành chính đã kìm hãm sự phát triển của DN. Theo đó, ông Đức đề nghị Bộ Công Thương tập trung vào công tác hậu kiểm. Như với DN kinh doanh gas, nếu lấy lý do hạn chế tình trạng cưa tai, mài bình gas để hạn chế DN là không đúng. DN kinh doanh gas cũng khẳng định sẵn sàng chịu phạt tới 10 triệu bình nếu phát hiện có gian lận. Vậy sao phải nâng quy định áp dụng đồng loạt với tất cả các doanh nghiệp để hạn chế việc kinh doanh của DN.

Nghi vấn chính sách nhằm diệt DN nhỏ

Tiếp tục phản ánh những vấn đề liên quan đến Thông tư 20 của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe dưới 9 chỗ, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc cho rằng, Thông tư 20 từ 1/7/2016 đã hết hiệu lực nhưng đến nay DN chưa nhập khẩu được do vướng giấy phép nhập khẩu.

“Chúng tôi muốn hỏi bao giờ Thông tư 20 được bãi bỏ. Doanh nghiệp còn có kế hoạch kinh doanh, vậy bao giờ mới được tháo gỡ để có thể nhập khẩu. Cuối năm là thời điểm kinh doanh xe tốt nhất với DN. Thống kê cho thấy, dịp cuối năm mỗi ngày DN có thể thu được lợi nhuận 20 tỷ từ bán xe nhập khẩu. Thời gian áp dụng Thông tư 20 là sau 45 trong khi Thông tư đến nay đã quá hạn gần 90 ngày trong khi DN không thể nhập khẩu được ô tô nữa”, ông Tuấn đặt câu hỏi và kiến nghị xây dựng luật làm sao để DN lớn và nhỏ cùng được tham gia. Nếu cấm thì cần cấm hết, cơ quan quan quản lý không nên dẫn yếu tố an toàn giao thông, bảo vệ người tiêu dùng để đưa ra các quy định cấm DN nhập khẩu. “Những gì pháp luật không cấm thì cơ quan quản lý cần để cho doanh nghiệp làm”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch  Quỹ chống hàng giả cho rằng, với quy định của Nghị định 19, DN cần phải đầu tư 40 tỷ đồng để mua vỏ bình. “Nếu Bộ Công Thương thấy rằng, kinh doanh gas cần dồn vào mấy DN đầu mối thì cho chúng tôi biết luôn. Trong thời gian chờ sửa đổi, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ tạm thời tạm dừng thực hiện”, ông Hùng đề xuất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico cho rằng, thời gian qua có nhiều quy định rất bất hợp lý được ban hành. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp quy định DN được phép lựa chọn quy mô hoạt động nhưng đến nay lại quy định phải có điều kiện đáp ứng các quy định về kho chứa, trạm sang chiết.

“Với việc ban hành các văn bản quy định pháp luật như hiện nay, không khỏi làm dấy lên nghi ngờ phải chăng các ông lớn có muốn tiêu diệt DN nhỏ và vừa hay không? DN đã hoạt động nhiều năm nay rồi nhưng các quy định mới ban hành quy định áp dụng và điều chỉnh ngay với những DN đang hoạt động từ lâu này”, ông Đức đặt vấn đề.

Đừng buộc tội nhau không có căn cứ

Liên quan đến những ý kiến của DN về Nghị định 19, Phó Vụ vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bà Lê Thị Nga cho biết, hiện trên thị trường có 10 nghìn DN kinh doanh gas. Nghị định ra đời từ những văn bản từ các thành viên của Hiệp hội kinh doanh gas yêu cầu lấp những lỗ hổng về mặt pháp lý trong kinh doanh gas. Với những phản ánh của DN, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu để đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định không ai khi xây dựng chính sách nhằm giết DN nhỏ và vừa. Phải thừa nhận thực tế bản thân Bộ Công Thương cũng lúng túng khi xây dựng các dự thảo quy định pháp luật. Ngay như Nghị định 42 về kinh doanh đa cấp, với những diễn biến của thị trường và các biến tướng trong kinh doanh đa cấp, hiện nay cũng cần phải xem xét sửa đổi. 

Với nghị định kinh doanh khí, những người soạn thảo cũng hết sức lắng nghe vì có những quy định trước thì đúng nay không còn phù hợp. “Với tinh thần lắng nghe, chúng tôi sẽ ghi nhận các ý kiến để xem xét sửa đổi. Xin đừng buộc tội nhau không có căn cứ. Tôi khẳng định không có chuyện người xây dựng chính sách tìm cách giết DN nhỏ và vừa”, ông Khánh nói.

Về việc bãi bỏ Thông tư 20, ông Khánh cho rằng hiện Thông tư đã hết hiệu lực và đến nay đang có vùng trũng về hiệu lực quản lý do có liên quan đến Thông tư 19 của Bộ GTVT. Quan điểm của Bộ là sẽ nhất định bãi bỏ Thông tư 20. Còn tại thời điểm hiện nay, khi chưa có văn bản thay thế thì vẫn tạm thời duy trì.

“Về các kiến nghị bỏ điều kiện giấy phép bảo hành bảo dưỡng, chúng tôi cũng sẵn sàng bỏ và không đề nghị quản lý hay giữ các điều kiện liên quan đến nhập khẩu. Chỉ  đề nghị, với người bán xe, cần sẵn sàng đáp ứng 3 điều kiện: Bảo hành cho người mua xe, bảo dưỡng vĩnh viễn cho người mua và trong trường hợp nhà sản xuất triệu hồi xe để khắc phục lỗi, DN nhập khẩu phải thực hiện được điều này vì quyền lợi của người mua. Nếu đáp ứng được thì chúng tôi sẵn sàng ủng hộ DN”, Thứ trưởng Khánh cho biết.

Cần lắng nghe nghiêm túc ý kiến của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đang quản lý nhà nước và kiểm soát 447 thủ tục hành chính từ cấp Trung ương đến địa phương. Do đó, các quy định và thủ tục hành chính trong ngành Công Thương có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

“Đề nghị các DN, hiệp hội thẳng thắn nêu những kiến nghị, vướng mắc gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các quy định, đặc biệt là về các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính (TTHC) ngành Công Thương. 

Về phía bộ, các cục, vụ sẽ phải lắng nghe nghiêm túc các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và tổng hợp ý kiến và báo cáo lãnh đạo Bộ phương án giải quyết tiến tới sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn”, Thứ trưởng Khánh nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.