Xóa độc quyền, giá điện sẽ giảm

Xóa độc quyền, giá điện sẽ giảm
TP - Đã đến lúc tách dần sự độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong các khâu, lập các cơ quan độc lập để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, giúp giá điện giảm...
Xóa độc quyền, giá điện sẽ giảm ảnh 1

Kiểm tra tiến độ xây dựng dự án điện tại Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Minh

Những ý kiến này được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra trong Hội thảo “Xây dựng thị trường điện cạnh tranh lành mạnh” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 9/4.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, một số tập đoàn, tổng Cty Nhà nước ngoài EVN đầu tư xây dựng nhiều nhà máy phát điện mới, cả thủy điện và nhiệt điện than, khí với tổng công suất điện toàn quốc khoảng 15.000 MW.

Theo ông Ngãi, lộ trình phát triển ngành điện đến 2025, tốc độ đầu tư vào ngành điện hàng năm tăng gấp 3-4 lần so với hiện nay. Vì vậy đã đến lúc đặt ra vấn đề xây dựng lại thị trường điện cạnh tranh một cách lành mạnh, tránh độc quyền cho một tập đoàn kinh tế hoặc cho nhà đầu tư nào đó về quản lý ngành điện, khuyến khích và thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào thị trường.

Ông Lê Văn Dĩnh, Phó Chủ tịch HĐQT Nhà máy Điện Tây Ninh cho rằng, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền của EVN là cần thiết. Đã cạnh tranh thì phải cạnh tranh triệt để, tránh tình trạng bên ngoài thì cạnh tranh, nhưng bên trong thì vẫn lẳng lặng giữ độc quyền trong ngành điện theo kiểu nửa nạc nửa mỡ.

TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cũng cho rằng, vấn đề cần tái cơ cấu ngành điện và xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã có từ lâu nhưng chưa được bàn bạc một cách triệt để.

“Nếu thị trường điện cạnh tranh được thành lập thì chúng ta sẽ không phải chịu mãi cảnh giá điện cứ tăng mà giá điện có lúc sẽ giảm. Từ xưa đến nay giá điện chỉ có luôn tăng với lý do thiếu vốn, gặp nhiều khó khăn…

Trước đây khi giá dầu lên tới 147 USD/thùng thì giá bán điện lên tới 8 cent/kWh. Nay giá dầu xuống mức 50 USD, giá bán không thể cao như vậy và EVN sẽ không vin vào việc bị lỗ do mua điện bên ngoài giá cao” - Ông Hiến nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Duệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng đã có lộ trình tăng giá điện thì phải có lộ trình giảm giá điện.

Cần tách triệt để các đơn vị của EVN

Ông Lê Văn Dĩnh cho rằng, việc cung cấp điện theo kiểu chập chờn như hiện nay là không ổn và thị trường điện Việt Nam phải theo hướng cạnh tranh mà Mỹ đang áp dụng. Theo đó, các Cty phát điện đều dùng chung đường dây và nếu hôm nay có Cty bán với giá rẻ hơn thì hôm sau người ta có thể ký hợp đồng mua điện của Cty đó mà không gặp rắc rối.

GS, TS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam, cho rằng nên hướng tới phát triển thị trường điện cạnh tranh như mô hình của Vương quốc Anh.

Theo đó, cần phân rõ hệ thống nguồn điện trong guồng máy của ngành điện hiện nay, làm rõ quan hệ của các đơn vị truyền tải, điều độ. Không nên để khâu này nằm trong EVN. Ngoài ra, Việt Nam cần có thêm một cơ quan điều tiết năng lượng, chứ không chỉ có một cơ quan điều tiết điện như hiện nay.

Ông Hiến cho rằng trong việc tái cơ cấu ngành điện, cần để người mua duy nhất phải là đơn vị nằm ngoài EVN để tránh tiêu cực xảy ra.

Tháng 2/2009, Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ quan điểm không nhất trí với đề án “Tái thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện” của Bộ Công Thương, vì cho rằng các phương án đề xuất của Bộ không phù hợp, dẫn đến khả năng thu hẹp EVN, khiến tập đoàn này không còn là tập đoàn kinh tế mạnh như chủ trương của Nhà nước.

Phương án tái cơ cấu ngành điện của Bộ Công Thương

1. Gom các nhà máy phát điện thuộc EVN để thành lập một số tổng Cty phát điện có tổng công suất mỗi đơn vị đến 2015 là từ 7.000 MW đến 8.000 MW với tổng vốn đạt khoảng 150.000 tỷ đồng mỗi đơn vị.

2. Tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), Tổng Cty Truyền tải Điện quốc gia ra khỏi EVN thành Tổng Cty hoặc Cty điều độ hệ thống điện quốc gia ra hoạt động độc lập.

3. Hợp nhất các công ty điện lực của EVN thành năm tổng công ty điện lực trực thuộc EVN.

Nếu tính đến năm 2015, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư như PVN (khoảng 10 phần trăm), EVN (khoảng 60 phần trăm), TKV (khoảng 10 phần trăm). Các Tổng Cty Sông Đà, Lilama, Vinaconex, Licogi, một số Cty và nhà đầu tư nước ngoài khác chiếm khoảng 20 phần trăm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG