Xóm biển triệu phú

Xóm biển triệu phú
TP - Thu nhập hơn 60 tỷ đồng chỉ trong một vụ đánh bắt, đó là “chuyện thường tình” tại “xóm biển triệu phú” (chỉ gồm 186 hộ) ở Quảng Ngãi, trái ngược với cảnh ngư dân nhiều vùng khác đang bỏ biển lên bờ.
Xóm biển triệu phú ảnh 1
Chuẩn bị cano cho thợ lặn - Ảnh: Hồng Vĩnh

Mùa biển ở xóm Ghành Cả - xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) kéo dài từ tháng Giêng đến nay đã liên tục “nóng” lên bởi những con số.

Nhờ phương tiện thông tin hiện đại nối giữa khơi và bờ, nên tiến độ đánh bắt ngoài biển của từng chiếc thuyền luôn được cập nhật, đâu cũng thấy sự hồ hởi và nghe những từ khá êm tai: trúng đậm! Đầy ba hầm!

Thuyền ông Võ Hoa 340 triệu đồng, Nguyễn Tày 290 triệu… các thuyền khác trúng xấp xỉ 200 triệu đồng sau một phiên biển, trong khi chi phí dầu mỡ cho một chuyến đi chỉ khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Từ kết quả đó, thuyền viên được chia từ 10 triệu đồng đến 15 triệu sau phiên biển kéo dài gần 1 tháng.

Rảo bước theo con đường đá vào đến giữa xóm Ghành Cả chỉ gặp toàn phụ nữ và người già. Đang tầm giữa mùa, thanh niên trai tráng đều đã ra khơi.

Ông Bùi Út - Trưởng xóm Ghành Cả cho biết: “Cả xóm có cả thảy 56 chiếc tàu thuyền đánh cá xa bờ công suất lớn, trước đây thì nghề gì cũng làm, nhưng hiện nay thì gần như cả làng làm nghề lặn đêm, mỗi thuyền ra khơi mang theo 10 - 15 ngư dân.

Do nhu cầu về bạn lặn nên phải “nhập” thêm lao động nghề biển ở tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận”.  Ông còn khẳng định chắc nịch: “Tôi bảo đảm với chú ngư dân ở đây không bao giờ lỗ, trừ khi hỏng máy hoặc thời tiết xấu”. 

Hơn 60 tỷ đồng trong một mùa đánh bắt (kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 7) là nguồn thu từ biển của một xóm. Không cần bàn cũng đã nói lên được tính hiệu quả.

Cũng từ đó, số hộ nghèo ở đây đã xóa sạch từ năm 2000, tuyệt đối không có nhà tạm.

Ngư dân các vùng khác thường có câu cửa miệng “xuống Ghành Cả phải ngó lên trật cổ”, đó là những căn nhà 2 - 3 tầng sang trọng thi nhau mọc, có rất nhiều người dân ở đây thú thiệt rằng: “Mình làm được hết nhưng còn sợ bão nên cứ ở vậy đã…”.

Nhưng chắc rồi đây họ cũng sẽ bị cuốn vào vòng quay của người người xây nhà cao cửa rộng.

“Quen mặt” thủy cung

Thợ lặn, tàn phế, bị tử vong, teo cơ hoặc liệt nửa người… Nỗi ám ảnh ấy hẳn chúng ta ít nhiều cũng từng nghe hoặc chứng kiến ở các địa phương làm nghề lặn ven biển. Nhưng, ở Ghành Cả thì nằm ngoài nỗi lo ấy.  

Là địa phương sớm phát triển nghề lặn, vì vậy ngư dân ở đây có nhiều kinh nghiệm hoạt động đánh bắt. Trước đây đã xảy ra vài vụ và nhiều năm trở lại đây, bà con đã tránh hẳn được tai ương này. Đó cũng chính là điều mà ngư dân nơi khác học hỏi.

Ngư dân Ghành Cả thuộc từng bãi đá ngầm, những ngóc ngách mê cung giữa đáy đại dương mênh mông. Ai nắm kỹ đường đi lối về “thủy cung” ắt thắng đậm!

Chuyện khai lập nghề lặn đêm ra đời cách đây gần 20 năm. Ông Út và một số ngư dân chế tác ra loại đèn lặn đêm. Bóng điện 220 V - 100 W cho vào nửa thân chai 65 ml đã cắt thủ công, đổ chất dẻo bịt kín chống nước vào rồi nối với nguồn điện trên bờ lặn xuống biển vào ban đêm.

Trước đó ông gặp thất bại khi cho đèn pin vào túi nylon làm dụng cụ lặn hoặc chiếc đèn do ông phát minh bị nổ. Phát minh ấy đến nay phần nhiều đã được cải tiến.

Một ca lặn thường kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, sau đó lên đổi ca. Trung bình một đêm một thợ lặn dầm mình đi bộ giữa đại dương khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Các thợ lặn ở đây chỉ lặn ở độ sâu 30 mét nước trở lại (ngư dân Lý Sơn gần 100 mét). Người trên ca nô luôn chăm sóc người lặn, thả dây đo kiểm tra độ sâu và giật dây báo hiệu khi người lặn đi xuống độ sâu nguy hiểm.

Hiện nay thợ lặn ngày ở đảo Lý Sơn khá lên nhờ nguồn hải sâm biển có giá 480.000 đồng/kg, nhưng hải sâm thường ở độ sâu trên 60 mét nước nên rất nguy hiểm.

Quan niệm ăn chắc mặc bền, nên ngư dân ở đây chỉ lặn xuống “thủy cung” đá ngầm, chui vào ghềnh san hô bắt tôm hùm hiện thời giá 200.000 đồng/kg, ốc nứa 50.000đồng/kg, dùng đọc đâm các loại cá.

Gặp anh Lâm, một ngư dân chân thấp chân cao khi thuyền mới vừa cập bến. Anh cười tâm sự: “Tụi em đi lặn đều mang theo thuốc bổ để tăng lực nên có sức khỏe, ra biển thì phải ngủ ngày, đêm thức nên giờ này thấy người còn lâng lâng”. 

Thay cho những ngày vất vả, để mừng một mùa làm ăn bội thu và chuyển sang đi lưới đông, các thuyền ở đây thường hào phóng đặt mâm ngang nhau - chi cúng cuối năm 10 triệu đồng/chiếc, khách mời được uống bữa bia thỏa thích, ai một lần đến có lẽ khó quên.

MỚI - NÓNG