Xử lý 100-150 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Xử lý 100-150 nghìn tỷ đồng nợ xấu
TP - Ngày 5/12, tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển (VDPF) do Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu, bán bớt vốn nhà nước tại các tập đoàn và ngân hàng.

> Thu nhập bình quân người Việt đạt gần 2.000 USD/năm
> Mua 35.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013

Lạm phát thấp mức kỷ lục

Trước đông đảo các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại cởi mở về hàng loạt vấn đề liên quan sự phát triển của đất nước. Theo đó, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, lạm phát đã giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống khoảng 6% năm 2013. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua và là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

 Dự kiến, hết năm 2013, Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng xử lý được 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2014, VAMC sẽ xử lý 100 -150 nghìn tỷ đồng 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng cho biết, vốn ODA ký kết và giải ngân đạt kết quả khả quan. Trong 11 tháng đầu năm 2013, giải ngân ODA đạt 4 tỷ USD, tăng 13,5%. “Tình trạng đô la hóa, vàng hóa giảm đáng kể. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, theo Thủ tướng, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tính theo năm, lãi suất huy động chỉ còn 7-9%, lãi suất cho vay giảm còn 9-12%. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, lãi suất huy động giảm 2-3%, cho vay giảm 3-5%. Trong đó, lãi suất cho vay đã trở về mức như giai đoạn năm 2005-2006.

Nhờ nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu lại. Năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã giảm 5 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể và rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việt Nam cũng đã hoàn thành cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại. Đặc biệt, tình trạng gia tăng nợ xấu đã được kiềm chế.

Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến 2014-2015, sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN. Trong đó, cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (có 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại đã cổ phần hóa.

Xử lý 52 “sếp” tham nhũng

Trong ba năm qua, thanh tra phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan tham nhũng. Chuyển cơ quan điều tra 11 vụ và 253 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.

Sang giai đoạn 2014-2015, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp.

Đánh giá cao về công tác phòng chống tham nhũng, đại diện Chính phủ Anh cho biết, sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ ODA cho Việt Nam. “Tuy nhiên, Việt Nam cần minh bạch hơn trong các nguồn lực phát triển và có kế hoạch cụ thể, mạnh hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, vị này nói.

Cần nền kinh tế có năng lực cạnh tranh

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, dù Việt Nam đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng vẫn rất cần các khoản viện trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. “Sự cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ vẫn rất quan trọng dù các cam kết đó sẽ diễn ra tại các diễn đàn đối thoại song phương chứ không phải tại VDPF”, ông Vinh nói.

Bà Victoria Kwakwa, GĐ quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu đáng khen ngợi, song tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn chậm. Việt Nam cần tạo ra một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh; đồng thời dịch chuyển nền kinh tế lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Muốn vậy, theo bà Kwakwa, Việt Nam phải tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó bao gồm vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, là vấn đề cơ bản nếu muốn tận dụng tối đa sự phục hồi kinh tế toàn cầu và quá trình hòa nhập kinh tế. “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế”, bà Victoria Kwakwa nói.

Ông Tomoyuki Kimura, GĐ quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Việt Nam cần phải đa dạng hóa nguồn tài chính phát triển ngoài nguồn vốn ODA và cải thiện độ tin cậy tín dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp cận các nguồn tài chính, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, tài chính thương mại và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. “Quản lý kinh tế và quản lý nhà nước hiệu quả với trách nhiệm giải trình rõ ràng sẽ giúp tăng cường niềm tin của thị trường, tài chính công cũng như kế hoạch đầu tư được cải thiện sẽ góp phần đảm bảo an toàn nợ công”, Tomoyuki Kimura nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG