Xử lý gần 1.200 cửa hàng ‘thổi giá’ khẩu trang, nhiều nơi treo biển hết hàng

Nhiều cửa hàng ở chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển không bán khẩu trang
Nhiều cửa hàng ở chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển không bán khẩu trang
TPO - Ngày 3/2, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, trong ba ngày qua, lực lượng QLTT đã tổng kiểm tra, xử lý 1.221 vụ vi phạm về ‘thổi giá’ tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn cả nước. Tình trạng các cửa hàng treo biển hết khẩu trang diễn ra ở hàng loạt địa phương.

Cụ thể, theo Tổng cục QLTT, trong ngày ra quân 2/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế và các cửa hiệu, nhà thuốc; tạm giữ 313.746 khẩu trang các loại. Như vậy, cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.221 vụ. Tạm giữ 318.616 chiếc khẩu trang (không kể số 94.000 chiếc do Cục QLTT TP.HCM xử lý đối với Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình).

Đối với số hàng 94.000 khẩu trang do Cục QLTT TP.HCM tạm giữ, sau khi làm rõ hành vi để xử lý, Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình đã cam kết không vi phạm, khắc phục vi phạm nhãn và đã chuyển 94.000 cái khẩu trang hiệu Medical về chi nhánh để bán ra phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tổng cục QLTT cũng cho hay, sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.

Như tại Hà Nội, khá đông người dân đến tìm hỏi mua khẩu trang y tế và các sản phẩm như cồn, thiết bị đo nhiệt độ. Tuy nhiên, không còn tình trạng xếp hàng hoặc người dân đổ dồn đi mua như hai hôm trước. Thị trường khẩu trang và một số thiết bị y tế trên địa bàn Hà Nội vẫn trong  trạng khan hiếm, nhiều cửa hàng báo hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít, chỉ bán 1-2 hộp cho mỗi khách.

Tại Quảng Ninh, hiện hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng bán khẩu trang, nước sát khuẩn trên địa bàn tỉnh không còn hàng để bán, một số hiệu thuốc chỉ còn từ 100 đến 200 chiếc khẩu trang loại 4 lớp nhưng không bán mà chỉ để phát miễn phí cho người có nhu cầu (chỉ phát từ 1-2 chiếc/người). Theo thông tin phản ánh của các hiệu thuốc, mặt hàng khẩu trang hiện không có hàng để nhập bán.

Trong diễn biến mới nhất, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) khảo sát, lên danh sách, liên hệ và làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để tìm kiếm nguồn cung cấp khẩu trang. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh đều không đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung cấp khẩu trang y tế.

Tại Lào Cai, đến nay số lượng hàng khẩu trang tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế đã khan hiếm, nhiều cơ sở đã hết hàng. Không có hiện tượng chen lấn, xổ đẩy nhau mua bán khẩu trang, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng. Thời điểm hiện tại, địa bàn một số huyện vùng cao như huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát mặt hàng khẩu trang y tế đã không còn hàng để cung cấp ra ngoài thị trường. Ngoài địa bàn huyện Sa Pa, hiện nay tại địa bàn thành phố Lào Cai, Bảo Yên đã có rất nhiều nhà hàng ăn uống, khách sạn, các điểm kinh doanh buôn bán nhỏ đã tổ chức phát miễn phí khẩu trang cho khách du lịch và khách đi đường.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn có hiện tượng người dân tìm đến các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, dược phẩm để mua khẩu trang, nước sát trùng, qua nắm tình hình cho thấy việc triển khai tuyên truyền, vận động ký cam kết chất hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh đã phát huy tác dụng, cơ bản đã chấp hành niêm yết giá theo quy định. Tuy nhiên, nguồn hàng cung cấp cho các cơ sở kinh doanh hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.

Tại hầu hết các tỉnh miền Trung, nhu cầu mặt hàng khẩu trang y tế tăng cao, giá bán một số nơi tăng cao hơn trước đây. Nhiều nơi xảy ra tình trạng không đủ hàng để bán. Tại Nghệ An, do số lượng người mua khẩu trang y tế để phòng chống dịch bệnh corona nhiều, nhu cầu tăng cao nên trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng khan hiếm nguồn cung hàng hóa, một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít. Tại một số điểm trên địa bàn đã phát động chương trình tặng khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng chống dịch bệnh. Qua kiểm tra lực lượng QLTT chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào có hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý mặt hàng khẩu trang y tế để trục lợi bất chính.

Tại Quảng Ngãi, nhu cầu mua trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng dịch virus corona đã giảm so với những ngày trước và việc cung cấp từ các đại lý, những nhà phân phối trên thị trường tỉnh Quảng Ngãi còn chậm đối với sản phẩm giúp bảo vệ đường hô hấp nên một số cửa hàng vật tư y tế và cửa hàng bán thuốc tân dược tại các huyện và thành phố đã thông báo "cháy" khẩu trang y tế.

Sau khi các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh vào cuộc theo dõi thị trường và tuyên truyền nên giá của khẩu trang y tế đã giảm xuống đáng kể từ 100.000 đồng/hộp (loại 50 chiếc) giờ còn dao động từ 70.000 - 80.000 đ/hộp (loại 50 chiếc), tuy nhiên vẫn còn cao hơn so với giá thông thường là 35.000 đồng/hộp. Đồng thời, nước rửa tay và cồn y tế kháng khuẩn cũng được nhiều người tìm mua, tuy không quá khan hiếm hàng song giá vẫn đắt gấp 2 lần so với thông thường, tùy vào dung tích, các sản phẩm này có giá từ 10.000 - 200.000 đồng/lọ.

Nguyên nhân của tình trạng này theo giải trình của một số cửa hàng vật tư y tế và Cửa hàng bán thuốc tân dược là do nhu cầu tăng đột ngột, không trữ hàng, giá đầu vào tăng nên phải bán giá tăng.

Tình trạng ‘cháy’ khẩu trang, hết dung dịch sát khuẩn cũng diễn cũng diễn ra tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Yên Bái…

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cam kết không tăng giá, không để thiếu khẩu trang

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 2/2, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cho biết, có thể nâng công suất sản xuất lên gấp 6 lần đồng thời cam kết không tăng giá bán, không để thiếu khẩu trang trên thị trường. Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này. Công ty cũng tiến hành sản xuất khẩu trang với sản lượng 50.000 chiếc/ngày. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, công ty hoàn toàn có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày.

Đại diện Công ty Babu, doanh nghiệp chuyên sản xuất thời trang trẻ em, trong đó có khẩu trang cho hay, sản phẩm của công ty có đặc điểm là làm từ sợi tre nên không chỉ có tính thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo khả năng kháng khuẩn lâu dài. Mặc dù mới qua giai đoạn nghỉ Tết, công ty đang gấp rút mở rộng số chuyền để có thể sản xuất khẩu trang đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.

Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khác cũng khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.

 Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.

MỚI - NÓNG