Xử lý nợ xấu: Khó đưa luật vào đời

Nợ xấu ngân hàng đang xử lý rốt ráo nhưng vẫn tắc.
Nợ xấu ngân hàng đang xử lý rốt ráo nhưng vẫn tắc.
TP - Trong lúc việc thu hồi nợ trực tiếp của tổ chức tín dụng vấp phải khó khăn  từ thái độ bất hợp tác của con nợ và dư luận phản ứng tiêu cực thì quá trình xử lý thu hồi tài sản bảo đảm (TSBĐ) thông qua tòa án cũng chưa được như mong muốn. Phải làm sao để biến luật thành lực, đây là vấn đề mà các NHTM đang lo đối diện.

Khi con nợ “bất chấp” - rào cản lớn

Cho đến nay nợ xấu được xử lý chủ yếu theo ba kênh: từ phần bán qua VAMC, từ nguồn lực trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng và từ phần thu hồi được. Trong điều kiện không được sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, nếu đẩy nhanh được quá trình và mức độ thu hồi, nợ xấu sẽ xử lý nhanh hơn và thực chất hơn.

Tuy nhiên theo đúc kết từ thực tiễn của luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD), các tổ chức tín dụng hiện đang gặp nhiều rào cản khi thu hồi nợ. Mặc dù quyền của các ngân hàng trong thu giữ tài sản bảo đảm được luật quy định rất rõ, nhưng thực thi có nhiều khó khăn.

Cụ thể, quyền thu giữ tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định số 163/2006 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012 rằng: các tổ chức tín dụng có đầy đủ quyền hạn tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cụ thể, quyền thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm; nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ...

Gây ra nợ xấu thì đổ lỗi cho ngân hàng cho vay không kiểm soát, đến lúc ngân hàng xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản từ những con nợ chây ỳ không trả thì lại “lên án” ngân hàng. Trong khi tiền ngân hàng cũng là đi vay của dân, chúng tôi vay thì có trách nhiệm phải trả. Cứ thế này,sao bảo xử lý nợ xấu không bế tắc! 

Một cán bộ ngân hàng than thở

Rõ ràng, thu giữ tài sản bảo đảm là một hoạt động hợp pháp, được pháp luật cho phép, tuy nhiên thường trái ý muốn của chủ sở hữu và người nắm giữ tài sản bảo đảm. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng không nhận được đồng tình, hợp tác, thậm chí còn chống đối, phản ứng dữ dội của người đang giữ tài sản bảo đảm.

Đơn cử: Theo quy định của luật pháp, người đang giữ tài sản bảo đảm có trách nhiệm giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng mà chống đối, không bàn giao tài sản, là vi phạm pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Qua nhiều trường hợp thực tế, có thể thấy rằng, sự “bất chấp pháp luật” của con nợ là một khó khăn lớn cho tổ chức tín dụng trong thu hồi nợ.

Một nghịch lý là khi xảy ra những tình huống như trên thì dư luận thường có xu hướng “lên án” ngân hàng, bênh vực người bị thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân về pháp luật, đặc biệt là về quyền thu giữ TSBĐ của tổ chức tín dụng. Sự bênh vực cho hành động trái pháp luật của khách hàng đã gây thêm khó khăn không nhỏ cho tổ chức tín dụng khi thu hồi TSBĐ.

Để luật là lực

Tại một hội thảo cuối tháng 7/2015, tập hợp từ báo cáo của gần chục chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia cho thấy, để xử lý một khoản nợ xấu mà khách hàng không hợp tác và quyền thu giữ tài sản của ngân hàng không được thực thi trên thực tế, các bước tố tụng, thi hành án và phối hợp với các ban ngành thường phải mất thời gian từ 2-3 năm, nhiều trường hợp phải tới 5 năm mới có thể có kết quả.

Có thể thấy, đang cần những giải pháp thực sự làm cho “luật trở thành lực” trong cả hai trường hợp: tổ chức tín dụng thu hồi nợ trực tiếp, và xử lý qua tòa án. Đặc biệt, cần có sự đồng lòng, thấu hiểu, ủng hộ của dư luận, các cơ quan ban ngành liên quan hỗ trợ trong việc tổ chức tín dụng tự thu hồi nợ.

Theo một cán bộ làm pháp chế ngân hàng, đã đến lúc dư luận cần hiểu rõ, nếu như tổ chức tín dụng không thể thu hồi được món nợ mà khách hàng đã vay, thì chắc chắn sẽ nảy sinh một tầng lớp khách hàng chây ỳ, vay dễ, khó đòi. Và đó là nguyên nhân kéo dài mối nguy hiểm “nợ xấu” đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Năm 2015 được đánh giá là thành công của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngày 11/8 tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. “Đối với TCTD có mức nợ xấu trên 3% có phương án báo cáo NHNN để xử lý. Số liệu báo cáo, đến tháng 6 tỷ lệ nợ xấu là 2,58%, giảm so với cuối tháng 5 2,78%. Nợ xấu là con số biến động hàng ngày. Mức này dưới 3% là mức NHNN trong suốt quá trình triển khai đề án xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu duy trì mức nợ xấu bền vững, là chủ trương điều hành”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG