Xử lý nợ xấu: Mở cửa cho bán dưới mệnh giá?

Các chuyên gia cho rằng, cần cho phép bán dưới mệnh giá thì nợ xấu mới giải quyết được. Ảnh: Ngọc Châu
Các chuyên gia cho rằng, cần cho phép bán dưới mệnh giá thì nợ xấu mới giải quyết được. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Nhiều chuyên gia và cả đại diện ngân hàng đều cho rằng, sợ trách nhiệm trong việc bán tài sản cầm cố dưới mệnh giá là rào cản lớn nhất khiến việc xử lý nợ xấu không có bước tiến trong thời gian qua. Chuyên gia đề xuất cần “làm lại” nhiều quy định trong xử lý nợ xấu để phá thế bế tắc hiện nay.

Đợi thị trường mua bán nợ


Tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, việc mua nợ xấu đã chậm lại. Ước tính, từ đầu năm đến nay VAMC mới chỉ mua thêm được khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng quy mô đã mua lại lên hơn 50.000 tỷ đồng.

Theo ông Nghĩa, tốc độ chậm lại như trên không phải là tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống chậm lại mà do một phần từ việc xem xét phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang mời các tổ chức tín dụng lên trực tiếp làm việc về kế hoạch bán nợ và các khoản nợ xấu cụ thể bán lại cho VAMC. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, trong sáu tháng đầu năm, VAMC mua được 11.414 tỷ đồng nợ gốc. Tổng nợ xấu Cty đã mua từ các tổ chức tín dụng vào khoảng 50.721 tỷ đồng. 

Đến nay, Cty mới chỉ giải quyết được 996 tỷ đồng nợ xấu (chưa đến 2%) trong số 51 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD) nợ xấu ở các ngân hàng. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, bài toán hóc nhất với VAMC chính là bán lại nợ cho ai, đặc biệt là việc bán tài sản trực tiếp và tài sản đảm bảo. Bán nợ tắc do hiện chưa có thị trường mua bán nợ. Không có thị trường này, các nhà đầu tư nước ngoài không thể vào để tham gia xử lý nợ xấu được. 

“Vẫn phải chờ đến khi kinh tế khởi sắc thì các dòng vốn “tiền tươi” bên ngoài mới vào, giúp luân chuyển được số tài sản đảm bảo đang tồn đọng hiện nay”, ông khẳng định.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nợ xấu chỉ xử lý được khi giải quyết được vấn đề tài sản thế chấp. Giờ thì bán vẫn chưa được. VAMC mua về tập trung để đấy. “Nợ xấu “bốc” từ ngân hàng sang VAMC rồi để đấy không bán cho ai được thì rốt cuộc cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Còn bế tắc lắm, chưa có hướng tốt hơn”, ông Kiêm nói.

Cho bán dưới mệnh giá?


Cựu giám đốc một chi nhánh ngân hàng từng tham gia xử lý nợ xấu khẳng định, không ở đâu xử lý nợ xấu khó như ở Việt Nam.

Đống nợ xấu lớn như vậy nhưng không có cơ chế để xử lý dù các ngân hàng cũng rất muốn “dứt điểm” với gánh nặng này. Vấn đề nữa chính là việc mọi người đều sợ trách nhiệm, không ai dám quyết bán nợ quá rẻ. 

Trong thực tế, ngân hàng cho vay 1.000 món, luôn có vài chục món có rủi ro và phải trích lập dự phòng. Khi đã trích lập đủ, ngân hàng được quyền bán nợ, kể cả với giá bèo (mua 100 bán chỉ 20 đồng). Đây là việc của ngân hàng.

“Với tư duy không cho bán dưới mệnh giá như hiện nay, xử lý nợ xấu không thể một sớm một chiều thay đổi được. Nếu bán dưới mệnh giá, lãnh đạo ngân hàng sẽ bị quy làm thất thoát vốn, phải chịu trách nhiệm. 

Thực tế, không ai hiểu 80 đồng mất đi khi bán nợ xấu đó đã được các ngân hàng tự xử lý thông qua trích dự phòng. Ở các nước, muốn xử lý nợ xấu họ phải dùng “tiền tươi thóc thật”. Nhà nước bỏ tiền ra mua khoản nợ xấu đó. Như vậy mới xử lý được ngay”, ông khẳng định. 

“Ngay cả khi đã khởi kiện, để đẩy được một món nợ xấu khỏi danh mục, ngân hàng phải mất cả chục năm. Như ở Vietinbank, có những khoản nợ xấu 10 năm chưa xử lý xong. Ngân hàng đã khởi kiện ra tòa nhưng thi hành án cứ chậm trễ thực hiện”, chuyên gia này cho biết. 

Trao đổi với báo chí, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh vướng mắc như thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện, vấn đề định giá tài sản khó khăn, hay chưa có công ty định giá mua bán nợ… VAMC đang gặp nhiều cản trở lớn khác.

“Xử lý nợ xấu hiện nay gặp khó, cũng một phần do sự rối rắm của các văn bản pháp luật. Các chủ nợ hiện không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Như với tài sản đảm bảo là nhà thế chấp, các ngân hàng vướng quy định phải thuê nhà mới cho “con nợ” ở nếu muốn thu giữ nhà. Chỉ riêng quy định này, các ngân hàng không thể thực hiện được”.

Một chuyên gia của

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

Trong đó, bế tắc nhất là việc thanh lý các tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Với thị trường đóng băng như hiện nay, việc xử lý số bất động sản mà ngân hàng đang cầm cố là không khả thi, chưa kể các quy định ràng buộc khác. Đồng nghĩa VAMC không có dòng tiền để xử lý nợ.

“Có cảm giác xử lý nợ xấu lại đang trông chờ vào sự khai thông, khởi sắc của thị trường BĐS, hành lang pháp lý cho việc bán tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ phải đưa ra 20% lượng “tiền tươi thóc thật” trên tổng số nợ xấu hiện nay mới được, vì VAMC hiện chỉ có 500 tỷ đồng vốn điều lệ thì không đủ nguồn lực để có thể xử lý được nợ xấu. 

Nguồn tiền này có thể không lấy từ ngân sách Nhà nước mà Quốc hội đã thông qua, nhưng có thể tận dụng các nguồn quỹ đang tạm thời nhàn rỗi của Chính phủ để dành cho việc xử lý nợ xấu”, ông Lịch đề xuất.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.