Xử lý nợ xấu ngân hàng, cách nào?

Xử lý nợ xấu ngân hàng, cách nào?
Giải pháp xử lý nợ xấu phổ biến mà hầu hết chính phủ các nước châu Á đã làm là khuyến khích thị trường thứ cấp cho các tài sản xấu.
Xử lý nợ xấu ngân hàng, cách nào? ảnh 1

Việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã diễn ra một cách suôn sẻ, đánh dấu một thương vụ sáp nhập mang tính kinh điển khi cổ đông các bên đều cảm thấy có lợi. Đằng sau vụ thâu tóm này là con số trích lập dự phòng 100% của HBB liên quan đến khoản dư nợ tại Vinashin và khoản đầu tư trái phiếu trị giá 3.700 tỷ đồng của Vinashin.

Giá trị của khoản trích lập dự phòng đối với nợ xấu này là con số lớn đáng kể so với vốn điều lệ của HBB là 4.050 tỷ đồng. Liệu việc sáp nhập ngân hàng có trở thành một giải pháp “kiểu Việt Nam” để giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng?

Quốc tế đã hành xử ra sao với các khoản nợ xấu?

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý các khoản nợ xấu có thể được thực hiện qua một trong ba hoặc phối hợp cả ba cách chính sau: i) xử lý nội bộ thu hồi bởi cán bộ ngân hàng hoặc dịch vụ thu hồi nợ; ii) xử lý qua việc bán nợ cho các tổ chức tài chính trung gian và iii) bán nợ xấu cho công ty mua bán nợ của Nhà nước.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay dưới chuẩn, nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty trong các ngân hàng... là các giải pháp mang tính hệ thống từ ngân hàng trung ương.

Khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997 - 1999 kéo dài đến 2001 đã làm tê liệt hệ thống ngân hàng ở châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển với tỷ lệ nợ xấu có giá trị từ khoảng 10% GDP đến 55% GDP. Trong khi đó, số liệu nợ xấu công bố chính thức chỉ vào khoảng 30% đến 50% của số liệu thực tế theo ước tính của các tổ chức dịch vụ tài chính như Euromoney, Ernst&Yong, Merrill Lynch, BusinessWorld; Standard & Poor’s and McKinsey.

Các công ty mua bán nợ

Hai giải pháp xử lý nợ xấu phổ biến mà hầu hết chính phủ các nước châu Á đã làm là khuyến khích thị trường thứ cấp cho các tài sản xấu và các khoản nợ xấu với việc nới lỏng các hạn chế ở thị trường thứ cấp này và bơm tiền vào các công ty mua bán nợ (AMCs) của Chính phủ để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. Giải pháp này đã đem đến một kết quả không đến nỗi tệ, AMCs đã thu hồi được 110 tỷ USD từ tổng số 350 tỷ USD nợ xấu mua từ các ngân hàng.

Các tổ chức tài chính trung gian

Deutsche Bank, GE Capital, Goldman Sachs, Lone Star Funds, Morgan Stanley... và các nhà đầu tư quốc tế đóng vai trò là các tổ chức tài chính trung gian mua và bán lại các khoản nợ xấu ngân hàng của các quốc gia châu Á trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 1997. Thị trường chính của các tổ chức tài chính trung gian này ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó, các AMCs của Chính phủ đóng vai trò chính giải quyết nợ xấu ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.

Lợi thế của việc sử dụng các tổ chức tài chính trung gian mua nợ xấu là khả năng có tiền mặt khá nhanh, nhưng bất lợi của nó lại là giá bán các khoản nợ xấu khá thấp do các tổ chức tài chính trung gian mong đợi lợi nhuận từ 25% đến 35% hàng năm từ việc đầu tư vào các khoản nợ xấu.

Bộ phận thu hồi nợ trong ngân hàng

Một số phân tích chỉ ra rằng, giải quyết nợ xấu bắt nguồn từ xử lý nội bộ thu hồi bởi cán bộ ngân hàng hoặc dịch vụ thu hồi nợ cũng là một giải pháp tốt khi mà ngân hàng, cán bộ ngân hàng là người nắm được nhiều thông tin về khách hàng nhất kể từ khi họ ra quyết định cho vay.

Một ví dụ thành công là các ngân hàng Trung Quốc đã thiết lập nên công ty mua bán nợ như là một bộ phận của ngân hàng đứng ra giải quyết các khoản nợ xấu một cách độc lập và thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp về xử lý nợ xấu. Thành tích của bộ phận này là đã thu hồi được 500 triệu USD từ các khoản nợ xấu với tỷ lệ thu hồi cao hơn gấp 3 lần so với khả năng ngân hàng tự thu hồi trước đó.

Một trong những công cụ để có được thành tích đó là những ngân hàng này đề ra mức thưởng lên đến 12% giá trị của khoản thu hồi được để các chuyên gia trong lĩnh vực đòi nợ này còn có thể lấy thêm được các tài sản đảm bảo bổ sung, hay dám đương đầu với các vụ đòi nợ khó khăn. Khả năng thu hồi nợ đạt được là 55% giá trị khoản nợ xấu so với 20% là mức trung bình mà các ngân hàng khác có thể thu hồi được trong cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại không thành công trong việc sử dụng bộ phận thu hồi nợ xấu của các ngân hàng dựa trên việc các ngân hàng tự thành lập hoặc liên kết thành lập AMCs. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các AMCs này kéo dài thời gian trả nợ cho các con nợ, thậm chí che dấu các khoản nợ xấu trên sổ sách của ngân hàng mẹ.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng qua đóng cửa, quốc hữu hóa và sáp nhập

Việc giải quyết mang tính hệ thống cho vấn đề nợ xấu ngân hàng còn có thể thực hiện thông qua một cơ chế tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đóng cửa và quốc hữu hóa là những giải pháp rất mạnh, vì nó kéo theo nhiều hệ lụy. Còn sáp nhập theo cách thông thường nhất vẫn là một ngân hàng “khỏe” mua lại một ngân hàng “yếu” hơn, trong đó, hệ thống kế toán của ngân hàng bị sáp nhập được hợp nhất vào ngân hàng kia. Có nghĩa là toàn bộ các khoản tiền gửi hay các khoản cho vay và các tài sản khác được duy trì bởi ngân hàng sau sáp nhập.

Đáng chú ý là Chính phủ Indonesia đã từng đóng cửa 16 ngân hàng trong tháng 11/1997 mà không đề cập gì đến lợi ích của người gửi tiền, điều này đã làm cho cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở nước này càng trầm trọng hơn.

Nhược điểm của việc sáp nhập ngân hàng là chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề nợ xấu, khi tỷ lệ nợ xấu trên vốn hay trên tổng tài sản có thể giảm xét trên báo cáo kế toán hợp nhất của ngân hàng sau sáp nhập, nhưng số tuyệt đối nợ xấu thì vẫn tồn tại trên sổ sách.

Số nợ xấu đó vẫn là một “ung nhọt” không hơn không kém, nhưng nỗi đau của ung nhọt đó có phần nhẹ nhàng hơn, khi mà vốn điều lệ và tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập lớn hơn, đủ để tránh cho ngân hàng có nợ xấu lớn rơi vào tình trạng phải đóng cửa hay bị quốc hữu hóa.

Liệu cách làm nào sẽ thực sự có hiệu quả trong việc giải bài toán nợ xấu ngân hàng cho Việt Nam? Câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà việc sáp nhập ngân hàng mới chỉ dừng ở con số 5 ngân hàng. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ còn là một dấu hỏi lớn hơn. Phải chăng, còn một hướng đi khả dĩ trong việc chào bán các khoản nợ xấu cho các tổ chức tài chính trung gian quốc tế?

Theo Bùi Trọng Dân
ĐTCK

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG