Xử lý nợ xấu: Tới đây có gì mới?

Nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu được ban hành dự kiến sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Ảnh: Như Ý.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu được ban hành dự kiến sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày  mai (7/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng sẽ có phiên giải trình trước Hội trường Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu nhằm giải đáp những thắc mắc của đại biểu trong phiên thảo luận tổ về trước đó hơn 1 tuần. Theo một đại diện NHNN, bản giải trình sẽ không né tránh bất cứ câu hỏi nào!

Gian nan vì “ngâm” ở toà

Ngân hàng “tắc” trong xử lý nợ xấu và phải “kêu”, đó là thực tế. Báo cáo về tái cơ cấu của Agribank mới đây cho hay: số lượng các vụ việc do ngân hàng này chủ động khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp lên đến mức hơn 6.800 vụ với tổng giá trị tranh chấp là 41.763 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới giải quyết được hơn 5.270 tỷ đồng, còn phải giải quyết 36.489 tỷ đồng. “Đây là một con số quá tải ngay với cả cơ quan tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kéo dài, khó khăn trong việc thu hồi nợ”, báo cáo Agribank nêu.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc như nhiều tài sản thế chấp cần bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản, các tòa dân sự quá tải, thủ tục phức tạp, kéo dài... Ngoài ra, dù thường xuyên làm việc với cơ quan thi hành án, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Có vụ tới 4, 5 năm vẫn chưa thi hành xong, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá trên 10 lần vẫn không thành.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn chứng về sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu tại toà. Ông Thành cho biết: Với tốc độ xử lý tài sản đảm bảo qua tòa hiện nay, mức độ tổn thất của ngân hàng ngày càng lớn. Đơn cử: hiện Vietcombank có 790 vụ xử lý tài sản đảm bảo chuyển qua tòa án.  Chưa kể, 98 vụ đã gửi qua, tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử.

“Hiện nay mỗi vụ án kéo dài đến 2 năm, thậm chí, có vụ đợi 18 tháng kể từ ngày nộp đơn mới có phiên hòa giải đầu tiên. Các quốc gia phát triển thì nợ xấu thấp. Các quốc gia kinh tế vĩ mô có vấn đề thì nợ xấu cao. Việt Nam trong 10 năm qua được đánh giá là nền kinh tế khó khăn nhất, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì gây ra nợ xấu”, ông Thành giải thích.

Dự thảo NQ - Có gì đặc biệt?

Cuối tuần qua, bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) đã công bố báo cáo nhận định về bản Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 13. Điểm đặc biệt theo SSI, Nghị quyết này sẽ thay thế tất cả các luật có liên quan trước đây về việc xử lý nợ xấu. Thời hạn áp dụng của Nghị quyết là 5 năm và có thể có hiệu lực từ tháng 7 hoặc tháng 8/2017.

Dự thảo Nghị quyết cho phép các ngân hàng thương mại có nhiều lựa chọn hơn đối với tài sản bảo đảm (TSBĐ) như kiểm soát TSBĐ, bán tài sản đó theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách) và có thể tiến hành tố tụng pháp lý. Đồng thời, cho phép VAMC được mua nợ xấu ngoại bảng và bán nợ xấu đã được hoán đổi thành trái phiếu VAMC theo giá thị trường. Đặc biệt, về chuyển nhượng dự án bất động sản và nợ xấu, điều kiện chuyển nhượng theo quy định tại Điều 49 của Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ được miễn. “Nó giúp đẩy nhanh việc chuyển giao dự án bất động sản như là một phần của việc bán tài sản thế chấp trong việc giải quyết nợ xấu”, SSI nhấn mạnh.

Trao đổi với Tiền Phong,  ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế NHNN khẳng định: Dự thảo nghị quyết mới về nợ xấu của Chính phủ đã “be quét” rất kỹ các vấn đề mang tính pháp lý. NHNN đã giải trình rất kỹ lần 2 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Bản giải trình tới đây do Thống đốc trình bày không né tránh bất cứ thắc mắc nào”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế lưu ý không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý. Bên cạnh, có 3 điểm nhấn quan trọng nữa, đó là thời gian thực hiện Nghị quyết là 5 năm; các tổ chức tín dụng có quyền kiểm soát tài sản bảo đảm và bán theo giá thị trường. “Đây là tiền đề cho việc ra đời thị trường mua bán nợ tại Việt Nam”, ông Sơn cho biết.

Về ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các tổ chức cá nhân gây ra nợ xấu tại từng tổ chức tín dụng, theo ông Sơn, việc này vẫn đang được các cơ quan pháp luật như công an, toà án thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

“Nợ xấu hiện có vài chục ngàn khoản, nếu phân loại chi tiết sẽ mất rất nhiều nguồn lực của xã hội. Điểm quan trọng, ai cố tình gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không phải bỗng dưng trong 12 đại án thì có  tới 9 đại án thuộc lĩnh vực ngân hàng, và những người vi phạm đều bị xử lý, chưa kể còn nhiều vụ án khác…”, ông Sơn khẳng định.

Nợ xấu là vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Nợ xấu cao, xử lý chưa thực chất và còn nhiều vướng mắc...Đó là lý do khiến Chính phủ sốt ruột yêu cầu ngành ngân hàng thời gian qua phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung thu hồi nợ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp tài sản bảo đảm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.