Xuất khẩu 15 triệu USD hàng dệt may mỗi ngày

Xuất khẩu 15 triệu USD hàng dệt may mỗi ngày
Trong những ngày đầu tháng 5, trung bình 1 ngày kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 15 triệu USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 400 triệu USD.
Xuất khẩu 15 triệu USD hàng dệt may mỗi ngày ảnh 1

Nếu doanh số dự kiến này là hiện thực, cộng với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm 2006 đạt hơn 1,74 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng sẽ vượt con số 2 tỷ USD. Và dệt may sẽ là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất những tháng đầu năm 2006.

Trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu với tổng trị giá xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng 38-40% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Thị trường EU tăng trưởng vững trở lại, đạt khoảng 350 triệu USD, tăng trên 70%, Nhật Bản đạt 250 triệu USD… Xuất khẩu sang các thị trường trước đây bị áp hạn ngạch cũng đạt mức tăng khá cao, như Canada tăng hơn 80%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng hơn 200%.

Theo các chuyên gia, tốc độ xuất khẩu cao của các doanh nghiệp sẽ vẫn được duy trì trong thời gian tới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng và đang gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu về để sản xuất. Hiện tại nhập khẩu nguyên phụ liệu sôi động và có mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Số lượng các đơn hàng nhập khẩu về tăng gấp đôi so với cùng kỳ các tháng đầu năm.

Một thông tin thuận lợi khác cho dệt may là Việt Nam đã đạt được trên nguyên tắc thoả thuận thương mại song phương với Mỹ sẽ dẫn tới việc xoá bỏ hạn ngạch dệt may nhập khẩu vào Mỹ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Cụ thể, thoả thuận được ký chính thức sẽ không cho phép Mỹ áp dụng biện pháp Tự vệ như đã áp dụng khi đàm phán gia nhập WTO với Trung Quốc trước đây. Và hàng dệt may Việt Nam sẽ được xuất khẩu vào Mỹ không còn bị áp đặt hạn ngạch đối với một số mặt hàng như đã áp dụng từ năm 2003 khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.

Mặc dù sẽ không có tự vệ kiểu Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn có thể kêu gọi tái áp dụng hạn ngạch nếu Việt Nam trợ cấp cho ngành dệt may. Nhưng theo Ủy ban Quốc gia về Tổ chức Dệt may (NCTO), phía Mỹ có quyền yêu cầu một trọng tài với sự chấp nhận của hai bên, xem xét quyết định liệu Mỹ có thể tái áp đặt hạn ngạch trong thời hạn tối đa 12 tháng.

Theo Vietnamnet

MỚI - NÓNG