Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI giảm

Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI giảm
TP - Trước tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp FDI giảm, ngày 3/4, Bộ Công Thương tổ chức buổi tọa đàm tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất và xuất khẩu.
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI giảm ảnh 1
Dự báo ngành gỗ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỉ USD năm nay. Ảnh minh họa

Đại diện Cty Panasonic cho biết, năm 2008, Panasonic xuất được 2,7 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, bắt đầu từ 9/2008, nhu cầu thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. Hàng loạt đơn hàng từ Mỹ, Nga bị cắt giảm. Năm 2009, mục tiêu xuất khẩu dự kiến đạt ba triệu sản phẩm, song việc thực hiện sẽ rất khó.

Cty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam (thuộc Tập đoàn Brother Nhật Bản) chuyên sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao cũng đang gặp khó, sau ba năm hoạt động. Brother đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý giúp các Cty lớn phát triển hệ thống Cty con vệ tinh, do các Cty con này đang vướng nhiều thủ tục liên quan thuế.

Theo Cty này, hải quan áp dụng phần mềm điện tử để đơn giản hóa thủ tục xuất - nhập khẩu còn rất chậm. “Hệ thống hải quan chưa đồng bộ. Ở các địa phương, cùng một quy định nhưng có cách làm khác nhau khiến cho doanh nghiệp FDI khó xoay xở” – Một vị đại diện Brother nói.

Gỡ cho xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Công Thương, một loạt biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu đang được áp dụng. Về chính sách giảm, giãn thuế, sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp giải quyết nhanh các hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, trả lời kịp thời các vướng mắc, phát sinh của người nộp thuế.

Việc giảm 50 phần trăm thuế GTGT cho một số hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT của Bộ Tài chính sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, sẽ thực hiện điều chỉnh linh hoạt thuế xuất - nhập khẩu một số mặt hàng theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, như giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước như sợi tổng hợp phục vụ ngành dệt may (từ ba xuống không phần trăm);

Điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, hạt điều; sẽ mở rộng hình thức cho thuê cảng biển, mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần để tăng cường năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam; và sẽ kêu gọi vốn đầu tư vào các cảng lớn của khu vực kinh tế, như hệ thống cảng Hiệp Phước - Thị Vải - Lạch Huyện.

Để củng cố và gia tăng nguồn lao động, sẽ triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo, nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40 phần trăm vào năm 2010.

Hai tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của các doanh nghiệp FDI chỉ đạt 2,92 tỷ USD, giảm 8,8 phần trăm so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2009, KNXK có thể giảm 10-15 phần trăm, đạt 19-20 tỷ USD. Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong nhiều năm qua.

Riêng hai tháng đầu năm 2009, 10 mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp FDI chiếm gần 25 phần trăm tổng KNXK cả nước. Nhiều mặt hàng có tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của DN FDI như hàng dệt may chiếm 59 phần trăm, giày dép 69,5 phần trăm, điện tử 96,6 phần trăm, máy móc, thiết bị 85 phần trăm...

MỚI - NÓNG