Xuất khẩu dệt may VN: Vào tốp 10 thế giới

Xuất khẩu dệt may VN: Vào tốp 10 thế giới
TP - Theo số liệu của Phòng Thương mại Biella (Ý) công bố trong chuyến làm việc mới đây tại TPHCM, VN đã lọt vào tốp 10 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Phòng Thương mại Biella (Ý) khẳng định: Với mức tăng trưởng 30% và dự kiến đạt 7,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2007, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí thứ 16 lên tốp 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Cũng theo Phòng Thương mại Biella, mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đến năm 2010 đạt khoảng 10-12 tỷ USD và sử dụng 50% nguồn nguyên phụ liệu nội địa sẽ càng củng cố vị thế về xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo lộ trình, đến năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu lên 75% và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20-22 tỷ USD. “Đây thực sự là một con số đầy tham vọng khi ngành dệt may Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nền sản xuất khác, nhất là các nước đang phát triển có cùng lợi thế về nhân công và cùng trình độ sản xuất” - Một đại diện Phòng Thương mại Biella nói.

Hiện, Việt Nam có hơn 2.000 doanh nghiệp dệt may và đang sử dụng hơn hai triệu lao động, sản xuất khoảng 1,8 tỷ sản phẩm dệt may; trong đó, 65% dành cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp dệt may tập trung chủ yếu ở TPHCM với 1.400 doanh nghiệp; Hà Nội và vùng phụ cận khoảng 300 doanh nghiệp.

Toàn ngành dệt may hiện có năng lực sản xuất khoảng 10.000 tấn xơ bông; 50 ngàn tấn xơ sợi tổng hợp; 260 ngàn tấn xơ sợi ngắn. Về dệt, sản xuất được 150 ngàn tấn vải dệt kim; vải dệt thoi được 680 triệu m2.

Đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam là Mỹ với kim ngạch hơn 3 tỷ USD (chiếm 55% thị phần); Liên minh châu Âu (EU) xếp thứ hai với 1,2 tỷ USD (chiếm 20% thị phần); tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, ASEAN, Canada, Nga và một số thị trường khác.

Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để giữ được vị trí như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đã phải cố gắng gấp đôi vì không chỉ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu mà còn phải cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa. Đầu tàu để đưa dệt may Việt Nam lên hạng chính là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Cơ hội xuất khẩu lớn chưa từng có

Xuất khẩu dệt may VN: Vào tốp 10 thế giới ảnh 1

Vừa trở về từ Mỹ sau chuyến đàm phán, ông Nguyễn Sơn - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho PV Tiền phong biết: “Với đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam sẽ là một trong những nước đạt mức tăng trưởng cao về xuất khẩu dệt may. Việc lọt vào tốp 10 thế giới như công bố của Phòng Thương mại Biella (Ý) là điều chắc chắn”.

Ông Sơn phân tích: Tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 30% là mức cao so với các nước trên thế giới. Hiện, các nước vùng Trung Mỹ, Mexico xuất khẩu đang sụt giảm mạnh do bị Mỹ cắt giảm hạn ngạch.

Do đó, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chọn những nước nào có sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng giao hàng tin cậy, đúng hạn, chất lượng dịch vụ tốt, sản phẩm có giá cạnh tranh… Đây là những cơ chế rất thuận lợi đối với hàng dệt may Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Thuận lợi lớn nữa là hiện Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được Mỹ bỏ hạn ngạch dệt may (hiện Mỹ chỉ áp dụng cơ chế giám sát nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam - PV). Hơn nữa, Việt Nam hơn hẳn nhiều nước do có nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao; có khả năng làm ra các sản phẩm phức tạp, giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó,  vì các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới bị cắt giảm hạn ngạch nên các đơn hàng sẽ dồn sang Việt Nam. Các khách hàng Mỹ rất tin tưởng về khả năng cung cấp chất lượng hàng hóa của các  doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp dệt may cho rằng, Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần tăng cường định hướng để các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát xuất khẩu, có thể sản xuất các sản phẩm có chất lượng và có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp chủ động mở rộng, đa dạng hóa các thị trường, nhất là thị trường Nhật Bản. Tận dụng tối đa cơ hội để có thể ký kết hiệp định đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này.

Ông Nguyễn Sơn khẳng định: Trong năm 2008, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, việc lọt vào tốp 10 nước xuất khẩu hàng dệt may cũng dễ trở thành “đích ngắm” của các nước khác.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng tăng trưởng về chất lượng, vì tăng trưởng về chất lượng mới là tăng trưởng bền vững, đem lại hiệu quả về lâu dài.

Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đào tạo công nhân, tăng quản lý, đầu tư thiết bị chuyên dùng để chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; lựa chọn và làm việc trực tiếp với các tập đoàn có đơn giá cao, thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, EU.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.