Xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh

Xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh
TPO - Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ cuối năm 2008 đến nay, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ giảm sút mạnh và mục tiêu xuất khẩu 3 tỉ USD trong năm 2009 của ngành gỗ sẽ rất khó đạt được.
Xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh ảnh 1
Dự báo ngành gỗ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỉ USD năm nay

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và chế biến gỗ trong cả nước, ông Quyền cho biết khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là đầu ra, nhu cầu đồ gỗ của các nước giảm rõ rệt trong khi xuất khẩu 2 tháng đầu năm của ngành gỗ mới chỉ đạt 380 triệu USD, trong khi quý I và quý IV hàng năm thường là thời điểm ngành gỗ phải xuất khẩu được trên 50% mục tiêu đề ra.

Theo ước tính, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ của Mỹ và EU (những thị trường chủ yếu của Việt Nam) năm 2008 giảm tới hơn 30%.

Hiện các doanh nghiệp mới chỉ có thể đảm bảo sản xuất theo các hợp đồng đến tháng 4/2009, còn sau đó có thể săn tìm thêm được đơn hàng mới không thì chưa biết. Do không có thêm đơn hàng mới nên các doanh nghiệp trên cả nước đang tồn kho 600.000m3 gỗ đã nhập về không thể đưa vào sản xuất.

Do phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài vào với giá đắt hơn 30% so với nguyên liệu sẵn có trong nước nên nếu để lâu thì chất lượng gỗ sẽ giảm, giá bán cũng giảm theo, nên doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Với những khó khăn như vậy, theo đánh giá mục tiêu xuất khẩu 3 tỉ USD trong năm 2009 của ngành gỗ sẽ rất khó đạt được.

Phát triển thương hiệu ngành gỗ: Cần 5 - 10 năm

Xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh ảnh 2
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh : PT

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có hai điểm yếu là thiếu nguyên liệu và không có thương hiệu trong khi chúng ta chỉ có lợi thế là có tay nghề, có thị trường rất mở.

“Gần đây các doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại nhưng vượt qua được việc thiếu nguyên liệu và thương hiệu đòi hỏi có thời gian. Tôi nghĩ phải mất 5 đến 10 năm chứ không thể 1, 2 năm”- Ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, thiếu thông tin về thị trường là bệnh cố hữu của các ngành công nghiệp ở Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có chiến lược để có thông tin chuẩn xác về thị trường. Như ở Pháp họ có một tổ chức thông tin toàn cầu với 2.000 nhân viên chuyên mua, thu thập thông tin cập nhật hàng ngày từ các quốc gia để bán lại cho các nước, các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gỗ phải mua thông tin của họ nhưng giá mua rất đắt.

“Nhà nước cần phải xây dựng một trung tâm như thế này và khi có nguồn thông tin thì doanh nghiệp sẵn sàng mua. Bên Bộ Công Thương có Trung tâm thông tin Thương mại nhưng tin tức cập nhật không kịp thời. Bên Hải quan có Cục Thông tin nhưng chỉ cập nhật tất cả các mã hàng, đơn hàng của doanh nghiệp bán đi, mua về. Những thông tin này không thể phân tích được do mỗi đơn hàng của doanh nghiệp có thể tính theo m3, tính theo giá trị hoặc chiếc. Nếu có một trung tâm thu thập, xử lý các thông tin này sẽ rất tốt”- Ông Quyền kiến nghị.

Cũng theo kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách với mỗi USD xuất khẩu doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 20 đồng để giúp doanh nghiệp đi tìm, khảo sát thị trường. Cùng với đó doanh nghiệp phải chủ động tháo gỡ khó khăn của mình. Về mặt thuế, có nhiều mặt hàng Nhà nước trước đây không thu thuế như ván sàn, ván ép thanh…thì nên miễn không thu theo mức 10% hiện nay.

Thống kê của Hiệp hội Gỗ, cả nước đã có hơn 2.520 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Có 421 doanh nghiệp FDI về lâm nghiệp nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp trồng rừng còn lại 417 doanh nghiệp là các đơn vị chế biến gỗ. Sức tiêu thụ đồ gỗ của thị trường nội địa mỗi năm không dưới 1 tỉ USD với giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ vào khoảng 200 triệu USD.

MỚI - NÓNG