Xuất khẩu lao đao

Xuất khẩu lao đao
TP - Thiếu vốn và khó khăn đầu ra là hai nguyên nhân chính khiến tình hình xuất khẩu của nhiều ngành hàng đang có dấu hiệu giảm sút và nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rơi vào tình cảnh lao đao.

Ông Trần Đức Mạnh- Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, từ cuối quý 3, các DN ngành này đã bắt đầu vào mùa làm ăn, song ông thừa nhận: “Chúng tôi đi vào mùa làm ăn trong điều kiện rất khó khăn”. Ông Mạnh chia sẻ: Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tháng vừa qua giảm 7% so với tháng trước đó. Khó khăn đã ngấm vào các DN xuất khẩu”- ông Mạnh nói, đồng thời cho biết hiện nay một số DN trong ngành đã phải sang nhượng nhà xưởng vì thua lỗ và số lượng DN phải từ chối đơn hàng tăng lên nhiều so với tháng trước. Do giá đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chững lại thậm chí ngày càng giảm sút, đặc biệt các đơn hàng vào thị trường chủ lực là châu Âu và Mỹ giá đều giảm mạnh.

Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang cũng cho biết, các khách hàng tìm mọi lý do để ép giá. Trong khi đó, trước sức ép phải trả nợ ngân hàng, nhất là vào thời điểm đáo hạn trong tháng 8 và 9 vừa qua, nhiều DN nhỏ buộc phải bán giá thấp, khiến giá thị trường xuống.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng xác nhận có dấu hiệu một số ngành sa sút đơn hàng, nhất là ngành dệt may. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 9-1011 dự kiến đạt 1,4 tỷ USD, giảm hơn 100 triệu USD so với tháng 8. Cũng theo Bộ Công Thương, hầu hết các thị trường chủ lực của hàng may mặc Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn đang gặp phải những khó khăn về tài chính, tiền tệ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trong nước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hằng năm vào quý 3, số lượng đơn hàng ký được là rất lớn, ngay cả vào thời điểm cuối năm 2010 khi nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ những DN lớn có thương hiệu, uy tín trên thị trường mới có được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2011. Nhiều DN vừa và nhỏ đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), cái khó lớn nhất của DN xuất khẩu cà phê là vốn. Trong khi năng lực tài chính của các DN cà phê VN rất hạn chế, chủ yếu đi vay các ngân hàng nên khi lãi suất cao (có lúc 24%) DN xoay xở rất khó. Thêm vào đó, ông Hoàng cho rằng, khó khăn của DN được đẩy lên đỉnh điểm là do yếu tố bất ổn định của chính sách tín dụng. Ông than phiền, kế hoạch của DN phải từ 6 tháng đến 1 năm, trong khi chính sách tài chính, tín dụng của Nhà nước thay đổi hàng tháng. Tháng này cho vay, tháng sau không cho vay nữa, rồi lãi suất tháng này thế này, tháng sau đã thay đổi.

“Chính sách tiền tệ vừa rồi đã đẩy DN vào khó khăn, nhất là DN xuất khẩu”- ông Hoàng bức xúc. Theo ông, với các DN xuất khẩu, đầu ra toàn tính bằng USD nên giá thu vào cũng phải quy đổi ra USD, cho nên chỉ cần thay đổi tỷ giá, dù là một tí cũng đủ làm DN “chết liền”. Và, thực tế đã có DN xuất khẩu cà phê lỗ đến 31 tỷ đồng trong một lần xuất vì tỷ giá đột ngột thay đổi.

Việc thị trường mở cửa và các DN nước ngoài vào thu mua nông sản xuất khẩu là điều tất yếu. Song, theo ông Hoàng, nhìn từ góc độ tín dụng, việc cạnh tranh giữa các DN nước ngoài và DN trong nước xem ra không công bằng. Vì rằng, DN Việt Nam nếu vay USD phải chịu lãi suất trên 8%/năm, trong khi các DN nước ngoài tối đa 3%/năm, 5% chênh lệch đó DN trong nước không cạnh tranh nổi.

Theo các DN, cơn khát vốn đã lên đến đỉnh điểm và cùng với khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ giảm sút xuất khẩu trong thời gian tới đối với hầu hết các ngành hàng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG