Xuất khẩu lao động “xông đất” thị trường Đông Âu

Xuất khẩu lao động “xông đất” thị trường Đông Âu
TP- Dự kiến hôm nay 14/2, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa dẫn đầu cùng với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ sang làm việc tại Ba Lan.
Xuất khẩu lao động “xông đất” thị trường Đông Âu ảnh 1

Thị trường Cộng hoà Séc và Ba Lan cần lao động làm việc trong các ngành như: cơ khí, xây dựng, may mặc, điện nước, nông nghiệp...

Chuyến công tác này sẽ tạo bước ngoặt quan trọng nhằm khơi thông dòng chảy lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước Đông Âu.

Thị trường thu nhập cao

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tại các nước Đông Âu như: Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slôvakia, Nga... đang cần số lượng lao động lớn đến từ các nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân là do nguồn lao động (chủ yếu đến từ các nước: Ucraina, Bắc Tiều Tiên) gần như đã rút hết về nước.

Hiện, doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đã thành lập văn phòng đại diện tại Ba Lan để xúc tiến mở rộng thị trường Đông Âu là Cty cổ phần dịch vụ và thương mại hàng không (Airseco).

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Xuân Vui - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Airseco cho biết: Đông Âu là thị trường tiềm năng, thu nhập cao.

Đặc biệt thị trường Cộng hoà Séc và Ba Lan hiện đang rất cần số lượng lớn lao động làm việc trong các ngành như: cơ khí, xây dựng, may mặc, điện nước, nông nghiệp...

Đặc biệt đối với Ba Lan, đang rất cần lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc và tới đây họ còn cần thêm cả công nhân làm việc trong lĩnh vực cầu đường.

Theo ông Vui, thị trường Đông Âu nói chung, Cộng hoà Séc và Ba Lan nói riêng đang rất cần lao động (nam và nữ), độ tuổi từ 18-35. Mức lương cơ bản người lao động nhận được từ 600-1.000 USD. Chẳng hạn, thợ hàn và xây dựng thu nhập 1.000 USD/tháng; thợ may 600 USD/tháng; làm nông nghiệp 600 USD/tháng...

Nếu người lao động muốn làm việc thêm giờ, Bạn rất khuyến khích và có chế độ đãi ngộ cao nhất. Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động luôn được đảm bảo, nhất là về chế độ bảo hiểm, đau ốm, bệnh tật.

Tuy nhiên, để sang Đông Âu làm việc, người lao động phải đóng một khoản tiền chống trốn là  5.000 USD và có tài sản thế chấp tại ngân hàng (như: giấy tờ nhà, đất...).

Chống trốn là giải pháp số một

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, để đáp ứng được nhu cầu của Bạn, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải làm tốt công tác tuyển dụng. Doanh nghiệp muốn đưa lao động sang các nước Đông Âu dứt khoát phải tuyển 100% lao động có tay nghề (trừ lĩnh vực nông nghiệp).

Các doanh nghiệp phải coi chống trốn là giải pháp số một để mở rộng thị trường và giữ vững thị phần. Về phía người lao động, muốn tham gia thị trường này dứt khoát phải có tiền đặt cọc chống trốn và phải có tài sản thế chấp ở ngân hàng.

Thu nhập tại các nước Đông Âu cao hơn hẳn các thị trường khác (thấp nhất là 600 USD và cao nhất là hàng nghìn USD) nên người lao động dứt khoát phải có trình độ, văn hoá và tay nghề.

Khó khăn hiện nay là việc đào tạo tiếng các nước Đông Âu. Chúng ta sẽ không đáp ứng ngay được nhu cầu của bạn nếu thời gian đào tạo ngắn.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Xuân Vui, tốt hơn hết là doanh nghiệp nên chủ động đưa các phiên dịch sang các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam để giúp người lao động giống như đã từng làm với thị trường Trung Đông trước đây.

Theo ông Vui, để làm tốt thị trường Đông Âu ngay từ đầu, các khoản phí thu của người lao động phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp thu các khoản phí ngoài quy định.

Riêng thị trường Ba Lan, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa nếu như doanh nghiệp đã có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH; Đại sứ quán sẽ không gây phiền hà hay để xảy ra các hiện tượng tiêu cực.

Trong thời gian tới, nếu Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH ký kết được hiệp định hợp tác về lao động đối với các nước Đông Âu thì sẽ tháo được “nút cổ chai” cho doanh nghiệp đó là khó khăn về vấn đề visa.

Về phía người lao động, cần phải có ý thức giữ gìn thể diện quốc gia, giữ uy tín cho doanh nghiệp, không nên coi việc đi xuất khẩu lao động chỉ là để kiếm “miếng cơm, manh áo”. Về phía doanh nghiệp, cần phải kiểm soát chặt chẽ, giám sát cụ thể và đưa ra các giải pháp cần thiết để hạn chế tối đa lao động bỏ trốn.

Được biết, nếu được tạo thuận lợi về vấn đề cấp visa, cộng với việc tuyển dụng lao động tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa đi được 5.000-10.000 lao động sang Ba Lan ngay trong năm 2008.

Ngoài ra, để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nói chung và Đông Âu nói riêng, Bộ LĐ-TB&XH không nên cấp hoặc cho đổi giấy phép đối với những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, có biểu hiện nhượng, bán hoặc khoán giấy phép.

Làm tốt công tác này, mục tiêu đưa 85.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2008 sẽ sớm cán đích.  

MỚI - NÓNG