Xuất khẩu năm 2008 sẽ gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu năm 2008 sẽ gặp nhiều khó khăn
TP- Đâu là triển vọng xuất khẩu của Việt Nam 2008 trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và kinh tế Hoa Kỳ có nguy cơ suy thoái?

Trước thềm Hội nghị Tham tán 2008 sẽ diễn ra vào ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi xung quanh những vấn đề trên. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói:

Năm 2008, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 20% so với năm 2007.

Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế hiện nay, thì đó là một nhiệm vụ khó khăn.

Kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, đồng USD suy yếu, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao. Trong nước lại đang trải qua một đợt  giá lạnh kéo dài, và sắp tới có thể đối mặt với hạn hán, ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa gạo.

Nguy cơ suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ tiềm ẩn nhiều khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Nếu kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái sẽ kéo theo sức mua thị trường giảm dẫn đến nhập khẩu giảm.

Nhập khẩu giảm thì hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát tình hình để  cơ cấu thị trường hợp lý, tránh bị ảnh hưởng nếu như  kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Miền Bắc đang trải qua một đợt rét đậm kéo dài kỷ lục, gây khó khăn cho việc sản xuất lúa gạo. Trước thực tế đó, công tác điều hành xuất khẩu gạo của Bộ  Công Thương có gì thay đổi không?

Bộ Công Thương đã thống nhất cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo tinh thần đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo quyền lợi của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, xuất khẩu gạo năm 2008 sẽ không tăng và có thể giảm so với năm 2007. 

Hiện nay một số nước có đơn đặt hàng mua 1- 1,5 triệu tấn gạo nhưng ta vẫn đang cân nhắc. Bộ Công Thương sẽ tăng  xuất khẩu gạo  theo hợp đồng thương mại, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng yêu cầu đầu tiên là đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo không ảnh hướng tới giá cả lương thực trong nước.

Để tăng trưởng xuất khẩu cao, vai trò của các tham tán thương mại rất quan trọng. Nhưng tại Hội nghị tham tán năm 2007 đã cho thấy  một thực tế là  mối liên kết giữa các tham tán thương mại và doanh nghiệp nhìn chung vẫn đang lỏng lẻo. Các tham tán hay than phiền là doanh nghiệp không liên hệ với tham tán, còn các doanh nghiệp lại cho rằng liên hệ mà tham tán không trả lời. Sau một năm tình hình này đã được cải thiện chưa?

Về cơ bản, mối quan hệ giữa tham tán thương mại và các doanh nghiệp đã có tiến bộ nhưng chưa có bước đột phá. Vẫn còn tình trạng: tham tán không hiểu doanh nghiệp sản xuất cái gì, sức cạnh tranh đến đâu; Doanh nghiệp cũng không hiểu tham tán có những thông tin gì v.v.

Công tác xúc tiến thương mại, nhất là khâu cung cấp thông tin chưa tốt. Tại Hội nghị tham tán năm 2008, chúng tôi sẽ mổ xẻ vấn đề này và đưa ra những giải pháp để cải thiện tình hình.

Trong đó có việc công khai thông tin của các tham tán trên hệ thống tin học của Bộ Công Thương để làm sao kết nối giữa doanh nghiệp và tham tán một cách hiệu quả nhất.  Bộ Công Thương cũng sẽ tạo điều kiện  để các tham tán có nhiều  thông tin về các doanh nghiệp và thị trường trong nước nhiều  hơn nữa.

Theo Thứ trưởng, làm thế nào để phát triển “đội quân” tham tán, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hội nhập này?

Đội ngũ tham tán thương mại hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí, về trình độ và cơ sở đào tạo.

Bộ Công Thương đang đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực tham tán thương mại như kết hợp với Pháp  mở những lớp học về “Nghề tham tán thương mại”, tổ chức các lớp tấp huấn cho các cán bộ tham tán thương mại v.v.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ bổ sung thêm một số thương vụ ở một số nước như Bỉ, nơi đóng trụ sở của EU, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Tại thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ mở ra một số trung tâm giới thiệu sản phẩm ở các thành phố lớn.

Cảm ơn Thứ trưởng.

Thiên Thanh (ghi)

MỚI - NÓNG