Xuất khẩu nông sản cán mốc kỷ lục trên 30 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản cán mốc kỷ lục trên 30 tỷ USD
TPO - Ngày 22/12, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 30,8 tỷ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013), một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014 tiếp tục là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả xuất khẩu và trong nước. Nhu cầu nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012, do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Philipine, … phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của 2 mặt hàng chủ lực là thủy sản và lâm sản tăng mạnh, đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng khá mạnh. Với gần 31 tỷ USD thu về từ xuất khẩu, năm 2014, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 9,5 tỷ USD tăng 7,7% so với năm 2013.

Đóng góp vào con kỷ lục trên, có 9 mặt hàng cán đích trên 1 tỷ USD, gồm thủy sản, gỗ và lâm sản, cà phê, rau quả, tiêu, điều, gạo, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn. Trong đó, các mặt có mức tăng ấn tượng là thủy sản đạt 7,92 tỷ USD (tăng 18%, trong đó mặt hàng tôm đạt tới 3,5 tỷ USD, tăng tới 25%), đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 6,54 tỷ USD ( tăng 12,7%), cà phê đạt 3,6 tỷ USD ( tăng 32,6%), rau quả đạt 1,47 tỷ USD, ( tăng 34,9%), hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD ( tăng 34,1%); hạt điều đạt 2 tỷ USD ( tăng 21,1%).

Tuy nhiên, trong năm 2014, hai có hai mặt hàng chủ lực là gạo và cao su có kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong khi gạo chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 1,9% , thì mặt hàng cao su chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm gần 30% so cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 1.695 USD/tấn, giảm hơn 27,3% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc giảm 5% về khối lượng và giảm 30% về giá trị; Malaysia giảm 7% về khối lượng và giảm 37% về giá trị.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, Việt Nam phải thực hiện cam kết trong WTO và các hiện định thương mại tự do (FTA) với các nước, khu vực, là một thách thức lớn với nông sản nước ta. Tuy mức độ cam kết và thời gian thực hiện trong các FTA có khác nhau, nhưng nhìn chung, mức độ mở cửa trong lĩnh vực nông sản là rất sâu, rộng.

Năm 2015, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của tất cả các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến là 5%.

MỚI - NÓNG