Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tiêu thụ nhiều, nhưng rủi ro

Xuất khẩu bế tắc, giá sắn trong nước có nơi bán một tạ mới mua được một bát phở. Ảnh: Bình Phương.
Xuất khẩu bế tắc, giá sắn trong nước có nơi bán một tạ mới mua được một bát phở. Ảnh: Bình Phương.
TP - Là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam, nhưng cách chơi của thị trường Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch rất khó hiểu, nên các doanh nghiệp cần lưu ý.

Giá 1 tạ sắn chỉ còn 1 bát phở

Tại cuộc họp ban chỉ đạo thị trường nông lâm thủy sản hôm qua (22/11) của Bộ NN&PTNT, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, ngành sắn đang bế tắc. Giá sắn trong nước có nơi 1 tạ chưa được bát phở, còn thị trường chính là Trung Quốc thì cửa khẩu khép lại.

Theo ông Tiến, xuất khẩu sắn trong 11 tháng đầu năm 2016 chỉ trên 3,1 triệu tấn, trong đó sắn lát khoảng 1,3 triệu tấn, tinh bột sắn 1,8 triệu tấn, giảm lần lượt 20% và 30% so với cùng kỳ năm 2015. Với tình hình trên, dự báo xuất sắn cả năm nay chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, trong khi năm ngoái tới 1,3 tỷ USD.

“Nguồn sắn trồng phục vụ cho chăn nuôi trong nước chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn làm nguyên liệu cho sản xuất xăng sinh học Ethanol thì các nhà máy đắp chiếu hết rồi. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chiếm 85% thị trường xuất khẩu sắn thì hầu hết đang bị đóng cửa, cắc bụp”- ông Tiến nói.

Lãnh đạo Hiệp hội Sắn cho biết, thị trường Trung Quốc rất đỏng đảnh và khó hiểu về chính sách của họ. Từ giữa tháng 6/2016 đến nay, Trung Quốc đã đóng nhiều cửa khẩu xuất tiểu ngạch. Ông Tiến nói: “Nếu chỉ tính xuất khẩu qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, chưa tính ở Hà Giang, Móng Cái…mỗi ngày trung bình Việt Nam xuất khoảng 6.000 tấn, nhưng nay chỉ còn 300-400 tấn. Hàng nghìn tấn sắn vẫn nằm ở các cửa khẩu”.

Trong khi đó, về thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thứ ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho biết, năm 2016, thị trường Trung Quốc năm nay được xem là hiện tượng khi tăng rất mạnh, là nơi tiêu thụ khoảng 60% về tôm và cá tra 30%.

Theo ông Nam, trung bình mỗi tháng thị trường Trung Quốc đang “ăn” khoảng 80 triệu USD từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường lớn này, thời gian qua, cách họ thu mua thủy sản gây nên sự rối loạn, theo hướng tiêu cực. “Giai đoạn tháng 4-6 năm nay, họ tập trung mua cá tra cỡ lớn 1,2-1,3 kg/con, nhưng loại này ở ta không có nhiều. Trong khi hai tháng lại đây, họ mua cá cỡ nhỏ chỉ 300 gram/con. Rất khó hiểu”- ông Nam nói.

Đại diện Vasep cũng kiến nghị, cần đánh thuế người nước ngoài có giao dịch mua bán hàng nông lâm thủy sản ở Việt Nam, đồng thời điều chỉnh việc mua bán ở biên giới. “Về cá tra, hiện có một số bất cập liên quan đến giao thương, là hàng xuất khẩu biên mậu thường chất lượng không cao. Lợi dụng việc này, nhiều thành phần xuất khẩu cá tra đi không đảm bảo, hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính”- ông Nam nói.

Đại diện một số hiệp hội cũng phản ánh, hoạt động tạm nhập tái xuất cũng đang lợi dụng chính sách biên mậu để xuất hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời “chèn” hết lối đi của hàng nông sản Việt Nam sang thị trường lớn này.

Tiếp tục tháo gỡ thị trường

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang thị trường này tăng so với cùng kỳ năm ngoái là rau quả, cà phê, cao su, chè, thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre cói thảm. Trong khi đó, các mặt hàng giảm là gạo, sắn và sản phẩm sắn.

Với thị trường Trung Quốc, ông Bảnh cho biết, về xuất khẩu chính ngạch, nước này thường áp dụng về nhiều biện pháp phi thuế quan, có chính sách hỗ trợ nông nghiệp nội địa được đánh giá là không rõ ràng, thiếu minh bạch.

“Đặc biệt là Trung Quốc vẫn thực thi các chính sách thương mại nông sản đơn phương, duy trì thương mại nhà nước, bảo hộ cao với những mặt hàng nông sản kém cạnh tranh của họ, làm tăng rủi ro và chi phí cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường này”- ông Bảnh nói.

Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh lượng hàng, giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này, nhằm hạn chế hoặc duy trì lượng hàng từ Việt Nam sao cho có lợi nhất cho phía Trung Quốc. Ông Bảnh đề xuất cần nghiên cứu, đàm phán với Trung Quốc để thống nhất về hệ thống cửa khẩu, mở rộng danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu vào nước này.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều rau củ quả giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 10 tháng qua đạt khoảng 2,1 triệu tấn. Trong đó, chúng ta chỉ nhập khoảng 400 nghìn tấn, là hướng có lợi cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Trung Quốc là thị trường rất lớn, đang tiêu thụ rất tốt, là cú hích cho các mặt hàng cá tra, tôm, lúa gạo…của Việt Nam thời gian qua. Trước những vướng mắc các doanh nghiệp phản ánh, ông Nam yêu cầu, các cục, vụ phối hợp với các hiệp hội tiếp tục theo dõi để có hướng xử lý thích hợp.

MỚI - NÓNG