Xuất khẩu nông sản: Vai trò tham tán thương mại ở đâu?

Nông sản ế ẩm, không thấy “nhạc trưởng” giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm đâu. Ảnh: Nguyễn Thành
Nông sản ế ẩm, không thấy “nhạc trưởng” giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm đâu. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng, khó chấp nhận việc nông dân gặp khó mà không thấy “nhạc trưởng” giúp họ tiêu thụ sản phẩm đâu. Bỏ ngỏ vai trò của các tham tán thương mại là hồi chuông cảnh báo với Bộ Công Thương.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu hay phải đổ bỏ cho bò, lợn ăn là câu chuyện kéo dài cả chục năm qua. Cứ đến hẹn lại lên, người nông dân lại khóc ròng, cơ quan quản lý loay hoay chữa cháy.

Đến nay, cả Bộ NN&PTNT và Công Thương chưa vẽ ra được bản đồ quy hoạch phân vùng trồng nông sản trên cả nước một cách rõ ràng. Trong khi đáng lẽ phải phân chia vùng nào trồng xoài, vùng nào làm thanh long, nơi nào trồng dưa hấu, chỗ nào làm cao su, ca cao… Đây là trách nhiệm rất rõ đối với các cơ quan quản lý.

“So với thời kỳ trước, những người làm thương mại, thương vụ hiện nay kém hơn hẳn. Như câu chuyện dưa hấu, thanh niên tình nguyện vào cuộc làm rồi, mãi sau Bộ Công Thương mới phát động các Sở Công Thương vào cuộc”.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Vũ Vinh Phú

Chúng ta luôn trong tình trạng thu hoạch rồi mới hỏi giờ xuất khẩu ở đâu? Ở các nước, quả dưa hấu khi sản xuất ra được đưa thẳng đến khâu bán lẻ, không có chuyện qua 4-5 “cầu” thương lái, giá đội lên ngất ngưởng. Dưới góc độ tiêu dùng, Bộ Công Thương phải tổ chức được hệ thống phân phối thành chuỗi khép kín. “Chuyện Bộ Công Thương tổ chức bán dưa hấu hỗ trợ bà con nông dân, phải nói rõ, đây không phải là nhiệm vụ của cơ quan này. Nhiệm vụ của Bộ Công Thương là cùng với Bộ NN&PTNT vạch ra chiến lược sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản”, ông Phú phân tích.

PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, sự yếu kém của các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo các cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với Bộ Công Thương.

Về hiệu quả của các chương trình XTTM tiêu tốn tiền tỷ, TS Long cho rằng: “Việc XTTM, tổ chức hội chợ, hội thảo có những góc khuất, có khi đơn vị tổ chức không đủ năng lực,  “bán cái” lấy tiền; hay đưa vào hội chợ không phải hàng Việt Nam mà là hàng Trung Quốc; hàng giả, nhái”.

Một chuyên gia về phân phối cho rằng, chúng ta có cả một đội ngũ thương vụ, tham tán thương mại phủ rộng khắp trên thế giới nhưng không phát huy được.  Ví dụ, tham tán ở Singapore, phải biết người dân ở đây chuộng loại nông sản nào, tình hình thị trường thế nào. Đội ngũ này có trách nhiệm tổng hợp thông tin về Bộ Công Thương, sau đó lan tỏa về các địa phương. Nhưng vai trò của đội ngũ này khá mờ nhạt.

Các thương vụ hiện nay dường như đang mải việc khác, quên mất thế mạnh của Việt Nam, nên chưa giúp được nhiều cho nông dân phát triển.

MỚI - NÓNG