Xuất khẩu tại chỗ

Xuất khẩu tại chỗ
Một trong những hình thức giới thiệu hình ảnh đất nước với thế giới hữu hiệu nhất là để người nước ngoài trực tiếp đến Việt Nam, tai nghe mắt thấy di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, con người và sự biến đổi của đất nước.
Xuất khẩu tại chỗ ảnh 1

Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đây là hình thức "xuất khẩu tại chỗ", thu về được một lượng ngoại tệ không nhỏ cho quốc gia góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đó chính là chi tiêu của khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để khách quốc tế đến.

Lợi thế về di tích lịch sử, về văn hóa, cảnh quan, về sự thân thiện của con người, trong đó có những cảnh quan, di tích được thế giới xếp thứ hạng cao.

Lợi thế về sự đổi mới kinh tế - xã hội với những thành tựu được quốc tế đánh giá cao.

Lợi thế về sự ổn định từ chính trị đến trật tự an toàn xã hội và sự cởi mở về chính sách thông thoáng trong những năm gần đây.

Lợi thế về tỷ giá VND/ngoại tệ đang có chênh lệch lớn với tỷ giá sức mua tương đương (1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với 3,4 USD tại Mỹ).

Với những lợi ích và lợi thế như thế, trong 7 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 2.619,3 nghìn lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước và đông nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay.

Mới qua 7 tháng đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 10 nghìn lượt khách đến Việt Nam, đông nhất là khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Pháp, Malaysia.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ du lịch Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ chung, như Phần Lan, Philippinnes, Na Uy, Thái Lan, Singapore, Thụy Điển, Malaysia, Nga, Đặc khu Hồng Kông, Hà Lan, Đan Mạch, Đài Loan.

Như vậy, khách quốc tế đến từ nhiều nước, không chỉ từ các nước láng giềng, mà đến từ cả các nước khá xa xôi, không chỉ đến từ các nước có thu nhập trung bình mà từ cả các nước có thu nhập cao.

Theo thống kê ban đầu, mới qua 6 tháng, tổng chi tiêu của khách quốc tế mà Việt Nam thu được ước đạt 1,95 tỉ  USD, chiếm 56,7% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ và tăng 14% so với cùng kỳ.

Điều đó chứng tỏ, chi tiêu bình quân một lượng khách đến Việt Nam đã cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo mục đích đến, khách đến vì công việc, tuy chiếm tỷ trọng đông thứ hai (19,3%), nhưng tăng cao nhất, lên đến 38,4%, chứng tỏ khách đến làm việc về đầu tư, buôn bán đã tăng mạnh.

Lượng khách đến du lịch đông nhất (chiếm 60,2%), tuy chỉ tăng 3,1%. Khách về thăm thân nhân có 348,8 nghìn lượt người, tuy giảm 3%, nhưng riêng tháng 6 lại tăng rất cao.

Theo phương tiện đến, khách đến bằng đường hàng không đông nhất, đến bằng đường bộ đông thứ hai, khách đến bằng đường biển ít nhất. Với đà này, cả năm nay có khả năng sẽ vượt 4,5 triệu lượt khách quốc tế, đem lại một lượng ngoại tệ gần 4 tỉ USD, cao gần gấp đôi lượng vốn ODA giải ngân.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm từ tháng 2 đến tháng 6 (tháng 2 đạt 441 nghìn, tháng 3 đạt gần 425 nghìn, tháng 4 đạt 411 nghìn, tháng 5 đạt 382 nghìn, tháng 6 đạt gần 320 nghìn). Một mặt, do tác động của yếu tố mùa du lịch. Mặt khác do lượng khách đến từ một số nước giảm.

So với nhiều nước và vùng lãnh thổ, "mật độ" khách quốc tế tính bình quân đầu người của nước ta vẫn còn rất thấp: 100 người dân có khoảng 5 khách, thấp xa so với nhiều nước và vùng lãnh thổ có "mật độ" tới 200 - 300 khách/người dân.

Điều đó đòi hỏi ngành du lịch còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đào tạo hướng dẫn viên, xây dựng cơ sở lưu trú, tu tạo địa điểm tham quan... nhằm nâng cao khả năng "xuất khẩu tại chỗ" của đất nước.

Theo Ngọc Minh
Thanh Niên

MỚI - NÓNG