Xuất khẩu thủy sản: Giảm thuế nhập để tăng xuất

Xuất khẩu thủy sản: Giảm thuế nhập để tăng xuất
TP - Dù giá trị xuất khẩu hiện giảm hơn năm phần trăm so cùng kỳ năm 2008, song mặt hàng thủy sản vẫn có nhiều lợi thế để khai thác ở các thị trường Nhật Bản, Nga, Trung Đông.

Chuyên gia ngành thủy sản đang đề nghị giảm thuế nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để tạo điều kiện về nguồn cho xuất khẩu.

Xuất khẩu thủy sản: Giảm thuế nhập để tăng xuất ảnh 1
Chế biến hải sản xuất khẩu tại An Giang - Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 4,2 - 4,3 tỷ USD, giảm 5 - 7 phần trăm so năm 2008.

Ông Dũng cho rằng, biện pháp cứu mặt hàng thủy sản hiện là nhập khẩu nguyên liệu để chế biến. Hiện nước ta có khoảng 700 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, tuy nhiên, nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50 phần trăm.

Ngày 24/9, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm 2009 ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14 phần trăm so cùng kỳ năm 2008; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản khoảng 9,2 tỷ USD giảm 11,8 phần trăm so cùng kỳ năm trước.

Cái yếu nhất của xuất khẩu nước ta là không vươn dài chuỗi giá trị ra khỏi biên giới. Chúng ta phải làm bảy, tám tháng trời ra một cân cá phi lê bán được ba USD, nhưng người ta (nước nhập khẩu) đem phân phối cho nhà hàng ở Đức đã lên sáu euro. Như vậy, bộ phận quan trọng để tăng chuỗi giá trị nằm ở ngoài nước.

“Không có hệ thống phân phối thì đừng nói đến gia tăng giá trị, mà cái này, từng doanh nghiệp lẻ rất khó làm được” - Ông Dũng nói. 

Theo VASEP, Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản (hoặc thuế bằng không). Hiện các nước trong khu vực đã giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản xuống không phần trăm.

Ông Dũng cho biết, tôm sú, cá tra, cá ba sa có thể bảo hộ, nhưng nhiều loại cá khai thác ở biển, hay cá hồi nuôi lại không cho nhập với mức thuế không phần trăm. Vấn đề này, Bộ Công Thương nên đề nghị Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới để hỗ trợ ngành thủy sản.

Kích kim ngạch bằng thị trường mới

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản chín tháng ước đạt ba tỷ USD, giảm 9,6 phầm trăm so với cùng kỳ 2008. Tuy nhiên, một tín hiệu vui cho các mặt hàng thủy sản là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này đang tăng trở lại ở một số thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ (chủ yếu là cá tra, ba sa) ước đạt 530 triệu USD,  Nhật 574 triệu USD.

Hơn nữa, một số lợi thế cho ngành thủy sản là từ 1/10 tới, khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực, ít nhất 86 phần trăm hàng nông, lâm, thủy sản nước ta xuất sang Nhật được hưởng ưu đãi thuế suất; trong đó thuế nhập khẩu các mặt hàng từ tôm còn 1 - 2 phần trăm. Cùng với đó, hàng thủy sản nước ta đang ngày càng đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe hơn đối với các nước nhập khẩu.

Mới đây, Tây Ban Nha, nước tiêu thụ cá tra, ba sa của Việt Nam lớn nhất trong khối EU (40.000 tấn mỗi năm) đã công nhận hàng thủy sản của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU.

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, ba tháng cuối năm có thể khai thác một số thị trường lớn như: Hàn Quốc (tiêu thụ khoảng 7.300 tấn tôm mỗi năm); Nga (chủ yếu cá tra); Nhật Bản (ca tra, ba sa, cá duối, cá bò, mực, bạch tuộc, ghẹ..).

Theo ông Chinh, Trung Đông là thị trường tiềm năng với hàng thủy sản nước ta cần được khai thác.

MỚI - NÓNG