Xuất khẩu thủy sản rớt giá, đừng đổ tại khách quan!

Xuất khẩu thủy sản rớt giá, đừng đổ tại khách quan!
Theo Bộ Thủy sản, tình trạng cá tra, ba sa rớt giá không phải do cung vượt cầu, cũng không phải do giá xuất khẩu giảm, mà là do cách làm ăn chụp giựt của một vài doanh nghiệp
Xuất khẩu thủy sản rớt giá, đừng đổ tại khách quan! ảnh 1
Trước khó khăn ở thị trường Nga, Ba Lan, một vài doanh nghiệp quay sang ép giá nông dân. Ảnh: NLĐ

Những ngày qua, nhiều nông dân nuôi cá tra, ba sa ở khu vực ĐBSCL liên tục lên tiếng phản ánh tình trạng các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu ép giá trong thu mua cá nguyên liệu, hoặc “bội ước” hợp đồng đã ký kết với nông dân.

Trong đó, hai DN bị than phiền nhiều nhất là Công ty TNHH Hùng Vương, Tiền Giang và Công ty Nam Việt.

“Sụp đổ” thị trường Nga, Ba Lan

“Tình trạng nông dân phản ánh là có, nhưng chỉ vài DN. Trong khi tại khu vực ĐBSCL có tới 30 DN chế biến mặt hàng cá tra, ba sa xuất khẩu, việc làm này đã ảnh hưởng chung đến tất cả mọi DN”.

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN, bức xúc khi trao đổi với phóng viên Báo NLĐ vào chiều 25/7.

Ông Hậu phân tích: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do 2 thị trường Nga và Ba Lan đã bị “sụp đổ”.

Cụ thể, vào thời điểm quý I và quý II/2006, thị trường Nga “ăn” hàng của các DN VN quá mạnh, các DN đã đẩy mạnh xuất khẩu ồ ạt, nhưng sản phẩm lại không đạt chất lượng, thậm chí còn gian lận trong khâu sản xuất.

Khi các ngành hữu quan của Nga phát hiện, họ đã hạn chế lượng nhập khẩu vào thị trường nội địa, không chỉ mặt hàng phi lê cá tra, ba sa mà còn có cả tôm đông lạnh.

Với thị trường Ba Lan cũng tương tự, cũng do lượng nhập hàng phát triển quá mạnh, nhiều DN sợ không đủ nguyên liệu đáp ứng, đã đứng ra ký hợp đồng với nông dân.

“Nhưng diễn biến thị trường không như dự đoán của một vài DN, xuất khẩu gặp khó khăn, giờ họ quay sang nói ngược lại với nông dân. Trong khi chúng tôi đã cảnh báo với các DN về hai thị trường này trước đó rất lâu” - ông Hậu nói.

Lỗi tại... ai?

Thông tin mới nhất được Bộ Thủy sản đưa ra vào chiều 25/7, trước khó khăn ở thị trường Nga và Ba Lan, vài DN đã không mua đúng giá như hợp đồng đã ký với nông dân, nên từ đầu tháng 7/2006 đến nay, giá cá tra, ba sa liên tục tụt giảm.

Tại An Giang, cá nuôi hầm chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 5. Giá cá tra nuôi bè giảm đến 4.500 đồng/kg, chỉ còn 10.500 đồng/kg. Tại Cần Thơ, Sóc Trăng giá cá cũng tụt giảm tương tự.

Nhiều người lại viện dẫn lý do cá rớt giá là do cung đã vượt cầu. Trong khi đó Bộ Thủy sản lại đưa ra nhận định ngược lại: “Hiện nay khu vực ĐBSCL nguồn cung cá tra, ba sa nguyên liệu vẫn chưa vượt cầu”.

Cụ thể, tại An Giang, mỗi ngày các DN cần đến 700 tấn cá nguyên liệu, nhưng nguồn cung cũng mới chỉ đáp ứng được 80%.

Tại Cần Thơ, sản lượng cá cả năm chỉ đáp ứng được 50% công suất của các nhà máy. Dù tháng 9 này sản lượng cá thu hoạch sẽ tăng lên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy.

Bộ Thủy sản đưa ra khuyến cáo: “Người nuôi cá bình tĩnh, không nên chạy theo hiện tượng cá rớt giá để bán đổ bán tháo, làm cho giá cá tiếp tục giảm, nguy cơ lỗ sẽ tăng lên”.

Trong nước, nguồn cá nguyên liệu cung vẫn không đủ cầu, giá xuất khẩu phi lê cá tra, ba sa không giảm, mà vẫn cao hơn 3,4 USD/kg, nhưng tại sao giá cá trong nước lại rớt thê thảm?

Đây chính là hậu quả của cách làm ăn chụp giựt của một vài DN. Cuối cùng, người chịu thiệt là những nông dân nuôi cá. Còn các DN làm ăn chân chính cũng bị “liên đới”.

Theo Lê Cường
Người Lao động

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.